Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:56
RSS

Thầy giáo vượt hơn trăm km mỗi ngày, hàng chục năm kiên trì bám trường học nơi quê nghèo

Thứ năm, 21/11/2024, 10:38 (GMT+7)

Nhiều giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tân Tiến (Bình Gia, Lạng Sơn) nhiều năm qua không quản khó khăn, có người vượt quãng đường hơn 100km mỗi ngày, kiên trì bám trường, bám lớp để "gieo chữ" ở vùng quê nghèo.

Thầy giáo hàng chục năm bám trường, vượt hàng trăm km mỗi ngày "gieo chữ" nơi vùng cao

Đều đặn sáng sớm mỗi ngày, thầy Viên Văn Toàn (54 tuổi) dậy từ 5h sáng, chuẩn bị giáo án lên điểm trường Thâm Đình, Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến (Bình Gia, Lạng Sơn). Quãng đường từ nhà đến trường của thầy Toàn dài 32km, ngoằn ngoèo, khó đi nhưng nhiều năm qua thầy Toàn vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. 

Lớp học đặc biệt của thầy Toàn chỉ duy nhất 5 học sinh. Các em đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, là người dân tộc Nùng, dân tộc Giao. Đây cũng là vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện vùng núi tỉnh Lạng Sơn.

Đều đặn mỗi ngày, thầy Viên Văn Toàn (54 tuổi) dậy từ 5h sáng, chuẩn bị giáo án lên điểm trường Thâm Đình, Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến (Bình Gia, Lạng Sơn) giảng dạy. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, thầy Toàn kể, điểm trường Thâm Đình vô cùng khó khăn. Cách đây 2 tháng, nơi đây mới được phủ sóng điện thoại. Lớp chỉ vỏn vẹn 5 học sinh, không khí khác lạ, trầm lặng hơn so với nhiều lớp học miền xuôi. Thầy Toàn tỉ mẩn chỉ dạy từng em cách đánh vần, giải bài toán… Hình ảnh người thầy bình dị với chiếc áo sơ mi phai sờn cổ vai, miệt mài dạy học trò khiến những người chứng kiến vô cùng xúc động.

Hình ảnh học sinh vui đùa trong giờ ra chơi tại điểm Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến sáng 19/11. Ảnh: Gia Khiêm

"Trong lớp, có học sinh xa nhất 6-7km, hàng ngày các em phải vượt qua suối, qua sông đều có. Chính vì nơi đây khó khăn nên trước đây việc vận động, tuyên truyền các gia đình cho con em đi học gặp không ít khó khăn. Tôi từng đến gia đình động viên con em đi học. 

Có lần, trời tối một mình tôi tìm đến tận nhà học sinh vì mấy ngày em nghỉ học không lý do. Vào tới nơi chứng kiến hình ảnh 3 chị em bị ốm ở nhà chăm nhau, bố mẹ đi làm xa, chỉ có bà tuổi đã cao. Nhìn cảnh các em kê tấm thảm nằm cạnh nhau tôi rất thương. Tôi liên lạc động viên bố mẹ về chăm các em khoẻ mạnh rồi hãy đi làm…", thầy Toàn chia sẻ.

Lớp thầy Toàn giảng dạy chỉ có duy nhất 5 học sinh. Cách đây 2 tháng điểm trường này mới phủ sóng điện thoại. Ảnh: Gia Khiêm

Theo thầy Toàn, con đường trục chính dẫn vào xã mới được xây dựng cách đây 1-2 năm. Trước đây, con đường này mỗi lần mưa lớn sạt lở, lầy lội khiến đường tới trường không chỉ gian nan với học sinh mà với chính giáo viên như ông. Có hôm, giáo viên trong trường phải gắn xích vào bánh xe mới có thể vượt qua những đoạn đường lầy lội, hằn sâu gần hết bánh xe.

Cách đây 1 năm trở về trước, đường vào điểm Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến vô cùng lầy lội. Hình ảnh giáo viên của trường băng qua đoạn đường ngày mưa. Ảnh: GVCC

"Không chỉ là người thầy, chúng tôi như chính cha mẹ thứ 2 của các em. 32 năm giảng dạy nơi vùng cao với tôi có vô số kỷ niệm. Có những câu chuyện các em chia sẻ mà ứa nước mắt. Có em vừa khóc vừa nói 'mẹ bỏ bố rồi', nghe xong tôi không cầm được nước mắt, nghĩ thương các em vô cùng", thầy Toàn xúc động.

Cũng như thầy Toàn, nhiều năm qua, thầy Nguyễn Văn Quỳnh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến vượt tổng quãng đường hơn 100km mỗi ngày đến trường. Mỗi ngày thầy Quỳnh dành khoảng 3 tiếng di chuyển trên đường đến trường và trở về nhà.

Điểm Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến (Bình Gia, Lạng Sơn). Ảnh: Gia Khiêm

Theo thầy Quỳnh, đa số các thầy cô dạy tại đây đều di chuyển quãng đường trên 20km mỗi ngày. 5h30 thầy từ nhà đi. Lúc nào hiệu trưởng cũng có mặt ở điểm trường lúc 7h-7h15. Cách đây khoảng 1 năm khi đoạn đường trước cổng trường chưa đươc đổ bê tông, vào những ngày trời mưa, sạt lở thật sự rất khó khăn đi qua.

Hình ảnh học sinh đi đường mưa tới trường. Ảnh: GVCC

"Tôi nhớ mãi có lần đoạn đường đi vào bị sạt lở, phải nhờ người dân buộc xe vào cây rồi vác qua để đúng giờ có mặt tại trường. Còn đối với các em học, nhà gần trường nhưng bên kia sông. Nước lũ dâng cao, một vài em không thể qua được nên thầy cô cũng chặt cây tạo thành cầu để bắc qua để sang đón các em sang đây học. Có hôm cô giáo vừa đi vào đến đầu đoạn đường cách hơn 1km thì xe bị thủng săm do đất, đá gồ ghề. Lúc đó, bỏ thì không được, mà ở đó thì lại chậm tiết của các em nên cô giáo phải cố gắng dắt bộ để sao nhanh nhất, lên lớp kịp thời cho các em", thầy Quỳnh kể.

Bữa cơm ấm lòng trẻ em nghèo vùng cao

Thầy Quỳnh cũng cho biết, toàn trường có 85 học sinh, trong đó có 78 học sinh hộ nghèo, cận nghèo. Năm học 2024 – 2025, chương trình "Chin-su: Một triệu bữa cơm có thịt" do đơn vị này phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo vùng cao tiếp tục năm thứ hai đồng hành cùng các em học sinh hoàn cảnh khó khăn. 

Với tổng chi phí 10 tỷ đồng, chương trình dự kiến thực hiện hơn 1 triệu bữa cơm có thịt, cho gần 7000 học sinh, tại 9 tỉnh vùng núi phía Bắc và Trung. Cũng nhờ chương trình này mà bữa cơm của các em học sinh nơi đây thêm chất lượng.

Thầy Toàn cùng giáo viên trong trường chuẩn bị suất ăn trưa cho học sinh. Ảnh: Gia Khiêm

"Bữa ăn này mang đến cho các em tăng thêm giá trị dinh dưỡng, bên cạnh đó giúp cho các em học tập buổi trưa tại trường tốt hơn. Nếu như không có bữa ăn này có khi các em chỉ học bữa sáng, bữa chiều lại nghỉ. Bữa ăn này có ý nghĩa lớn giúp cho trường quản lý tốt hơn giờ trưa, chiều các em đi học đầy đủ hơn, hỗ trợ cho gia đình một phần dinh dưỡng, có bé về nhà chẳng có gì ăn. Tôi trực tiếp tới nhà học sinh có bữa ăn trưa rất đạm bạc chất dinh dưỡng, có những bữa ăn đầy đủ như thế này rất tuyệt vời", thầy Quỳnh nhấn mạnh.

Khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng của học sinh. Ảnh: Gia Khiêm

Nhìn bữa cơm bán trú của học trò giờ đây có đầy đủ chất dinh dưỡng từ thịt gà, thịt rang, cơm, canh… thầy Quỳnh cùng giáo viên trong trường không khỏi vui mừng. Trực tiếp xúc cơm ra cho học sinh, thầy Viên Văn Toàn động viên: "Các em ăn nhiều vào nhé kẻo đói lấy sức học tập. Bữa ăn có ngon không các em?". Nghe lời thầy hỏi, học sinh đồng thanh: "Ngon ạ!".

Học sinh hào hứng dùng bữa cơm bán trú tại trường. Ảnh: Gia Khiêm

Ăn trưa xong học trò nghỉ ngơi tại điểm trường, thầy Toàn và một số thầy cô giáo ở xa thì ở luôn tại điểm trường học. Nơi thầy Toàn trú ngụ lại là căn nhà gỗ lợp mái fibro xi măng đã xuống cấp, xập xệ. Những ngày mưa lớn, giá rét thầy xin ở lại trường vì không thể về nhà. Lúc mưa lớn thầy phải lên trú tạm phòng học của học sinh.

Ngôi nhà gỗ tạm nơi thầy Toàn trú ngụ lại vào những buổi trưa hay những ngày mưa rét. Ảnh: Gia Khiêm

Góc nghỉ ngơi của thầy Toàn. Ảnh: Gia Khiêm

Là nơi khó khăn nên với những giáo viên như thầy Toàn chưa bao giờ nghĩ sẽ được học sinh tặng những món quà giá trị. Điều mà nam giáo viên này thêm động lực gắn bó đó là những lời chúc mộc mạc, chân thành của học trò. Có gia đình học sinh vì thương mến mà tặng bó rau, vài bông hoa của núi rừng khiến thầy Toàn thấy rưng rưng.

"Các em đến trường đầy đủ, luôn luôn tạo khí thế ăn mặc sạch sẽ là món quà lớn nhất đối với thầy cô như chúng tôi rồi. Lắm hôm đi dạy, nhìn vào điều kiện khó khăn của học sinh tôi không dám ăn mặc đẹp, ăn cơm cũng rất đơn giản. Mặc dù quãng đường đi làm xa nhưng gia đình luôn là hậu phương vững chãi với tôi.

Vợ con tôi đều rất ủng hộ vì con em thân yêu. Biết rằng nhiều lúc mưa gió, trời lạnh vợ con xót ruột nhưng đã chọn nghề này thì phải hết lòng vì học trò. Có hôm mưa gió lạnh buốt, vợ ngó ra cửa xem nhưng công việc này đã chọn và chót yêu rồi nên vui vẻ xem đây là động lực", thầy Toàn chia sẻ thêm. 

Gia Khiêm
Theo Dân Việt