Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:02
RSS

Tuyển sinh đại học 2025: Dự kiến “gắt gao” khi xét học bạ?

Thứ bảy, 23/11/2024, 07:08 (GMT+7)

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm, đặc biệt là phương thức xét tuyển học bạ.

Bộ GDĐT ngày 22/11 công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó nhiều điểm mới về xét tuyển sớm. Theo đó, Bộ GDĐT đề xuất chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu.

Tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung. Điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Các trường vẫn được tự chủ các phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, với riêng phương án xét học bạ, Bộ yêu cầu phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12, đồng thời phải có điểm tổ hợp ít nhất 3 môn gồm toán và ngữ văn bắt buộc. Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.

    

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Như vậy, nếu quy định này được thông qua, các trường đại học dùng phương thức xét tuyển học bạ không thể công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm trước tháng 5 như hiện nay. Các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.

Cũng với phương thức xét học bạ, dự thảo yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Dự thảo cũng nêu rõ, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.

Theo quan điểm được nhiều lãnh đạo Bộ phát ngôn trước đó, việc xét tuyển sớm bằng học bạ cũng như dùng nhiều thang điểm khác nhau trong xét tuyển sớm có nguy cơ tạo ra mất công bằng trong tuyển sinh. Những thí sinh chỉ có duy nhất điểm thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp cơ hội vào đại học do chỉ tiêu thấp, điểm chuẩn cao.

Hiện các trường sử dụng hơn 20 phương thức xét tuyển, chủ yếu tập trung ở các chứng chỉ quốc tế điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc kết hợp đồng thời các chứng chỉ.

Dự thảo cũng quy định ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, ngưỡng đầu vào áp dụng là kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Tào Nga
Theo Dân Việt