Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:44
RSS

Yên Lạc, Vĩnh Phúc: Vốn đầu tư công được sử dụng thế nào?

Thứ tư, 22/04/2020, 09:58 (GMT+7)

Gần đây, Yên Lạc đầu tư công hàng trăm tỉ đồng vào xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, phản ánh của nhiều người đọc cho thấy việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tại địa phương này chưa thực sự tiết kiệm...

Dấu hiệu lạ từ những công trình 'khủng'

Hàng trăm tỉ đồng ngân sách do UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) làm chủ đầu tư đã đang được đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư mạnh mẽ này nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Các dự án hàng trăm tỉ đồng tại địa phương này đều do UBND huyện làm chủ đầu tư,  Ban QLDA xây dựng và phát triển Cụm công nghiệp huyện Yên Lạc (sau đây gọi tắt là Ban QLDA huyện Yên Lạc) là đơn vị mời thầu.

Tuy nhiên, phản ánh tới PV, nhiều người đọc cho rằng quá trình triển khai thực hiện đầu tư các dự án đầu tư công thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại huyện Yên Lạc xuất hiện nhiều dấu hiệu khó hiểu, vốn ngân sách không được tiết kiệm tối đa, xuất hiện nhiều gói thầu sát giá.

Cụ thể, tài liệu phản ánh cho thấy, cuối tháng 11/2019, UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) làm chủ đầu tư dự án đường nối từ đường Yên Đồng- Nhật Tiến (xã Yên Đồng, Yên Lạc) với tỉnh lộ 305 đi Liên Châu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 65 tỉ đồng, vốn ngân sách.

Tìm hiểu, PV được biết, dự án được giao cho Ban QLDA huyện Yên Lạc mời thầu. Ngoài 9 gói thầu tư vấn thì gói thầu xây lắp của dự án là có giá trị lớn nhất.


Ông Nguyễn Xuân Thông, Chủ tịch UBND huyện, người chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại huyện Yên Lạc

Ngày 3/3/2020, lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc ký QĐ số 752/QĐ-UBND  lựa chọn Cty TNHH xây dựng Minh Quang là đơn vị trúng thầu với giá 47.768.646.000 đồng. Điều kỳ lạ là gói thầu này được xây dựng ở mức giá 47.857.333.000 đồng. Như vậy sau hoạt động đấu thầu, lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc chỉ tiết kiệm cho vốn đầu tư công vỏn vẹn khoảng 88,6 triệu đồng cho gói thầu gần 50 tỉ.

Tại dự án Trường tiểu học Hồng Châu (xã Hồng Châu, do UBND huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư) có tổng mức đầu tư hơn 31,3 tỉ đồng cũng có tình trạng tương tự. Từ tài liệu được cung cấp, tiến hành xác minh chúng tôi nhận thấy dự án này cũng được giao cho Ban QLDA huyện Yên Lạc mời thầu.

Mới đây, ngày 25/2/2020, lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc ký QĐ số 698/QĐ-UBND quyết định lựa chọn Cty cổ phần tư vấn xây dựng Hoàng Hùng trúng thầu với giá 23.570.295.000 đồng ở gói thầu xây lắp + hạng mục chung của dự án. Tìm hiểu được biết, giá gói thầu này được Ban QLDA hyện Yên Lạc mời thầu là 23.625.279.000 đồng. Như vậy ở gói thầu gần 24 tỉ đồng này, UBND huyện Yên Lạc chỉ tiết kiệm cho đầu tư công chưa đến 55 triệu đồng.

Ở gói thầu xây lắp thuộc dự án xây dựng cầu Báo Văn, xã Đồng Văn, Yên Lạc do UBND huyện này làm chủ đầu tư cũng 'chung số phận'. Gói thầu này được Ban QLDA huyện Yên Lạc mời thầu 11.275.357.000 đồng, lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc quyết định Cty TNHH Hưng Phát trúng thầu với giá 11.250.384.000 đồng. Vốn đầu tư ngân sách chỉ được lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc tiết kiệm được khoảng 25 triệu đồng.

Cần kiểm tra, giám sát

Tìm hiểu của PV cũng cho thấy vào trung tuần tháng 10/2019 UBND huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư dự án thảm nhựa mặt đường Yên Lạc - Vĩnh Yên, đoạn từ đường nhánh QL2C (Mả Lọ) đến QL2 (đường tránh TP. Vĩnh Yên) với tổng mức đầu tư hơn 70 tỉ đồng, nguồn vốn ngấn sách tỉnh Vĩnh Phúc và ngân sách huyện Yên Lạc. 

Dự án được chia làm 10 gói thầu, trong đó giá trị lớn nhất là gói thầu xây dựng với giá trị mời thầu là 60.533.154.000 đồng. Xác minh của phóng viên cho thấy, ngày 25/12/2019, ông Trần Thanh Thọ- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc ký QĐ số 5483/QĐ-UBND phê duyệt Cty cổ phần KEHIN (số 3 đường Mê Linh, P. Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, VP) trúng thầu với giá 60.418.239.000 đồng.

Như vậy, ở gói thầu hơn 60 tỉ đồng này, huyện Yên Lạc chỉ tiết kiệm được cho đầu tư công khoảng 114 triệu đồng/gói thầu gần 61 tỉ đồng.

Cuối tháng 11/2019, vẫn là ông Trần Thanh Thọ- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc đã ký QĐ số 5162/QĐ-UBND quyết định lựa chọn Cty TNHH Cẩm Thạch (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc) trúng thầu gói thầu xây lắp + hạng mục chung (thuộc dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đoạn nối từ đường tỉnh lộ 303 qua làng nghề tề lỗ đi đường nhánh QL2C - Mả Lọ).

Giá trúng thầu của Cty TNHH Cẩm Thạch là 21.459.238.000 đồng, trong khi đó giá mời thầu của gói thầu trên là 21.513.021.000 đồng. Chỉ có khoảng 54 triệu đồng đầu tư ngân sách được tiết kiệm sau khi đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ở gói thầu gần 22 tỉ đồng này.

Thu thập, xác minh tài liệu cho thấy tháng 8/2019 dự án Quảng trường văn hóa và Trung tâm văn hóa thể thao huyện Yên lạc được phê duyệt tổng mức đầu tư  98.678.466.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện Yên Lạc và vốn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ở dự án này, ngoài các gói thầu tư vấn thì gói thầu xây lắp có giá trị cao nhất là 73.742.958.000 đồng. Cuối tháng 12/2019, ông Trần Thanh Thọ- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc ký QĐ 5482/QĐ-UBND quyết định lựa chọn Cty cổ phần KEHIN trúng thầu với giá 73.607.814.000 đồng.

Như vậy, ở gói thầu gần 74 tỉ đồng này, vốn đầu tư chỉ được tiết kiệm khoảng 135 triệu đồng.

Yên Lạc, Vĩnh Phúc: Vốn đầu tư công được sử dụng thế nào?
 

Một số quyết định lựa chọn nhà thầu do lãnh đạo huyện Yên Lạc phê duyệt.

Được biết, ông Nguyễn Xuân Thông hiện là Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc, các ông Trần Thanh Thọ, Hà Thái Dương là Phó Chủ tịch UBND huyện.

Theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác quy định thì hoạt động đầu tư bắt buộc phải thông qua đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.

"Hoạt động này phải minh bạch để lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện hiệu quả dự án, tiết kiệm tối đa tiền đầu tư nên việc trúng thầu sát giá là điều tối kỵ", một chuyên gia pháp luật về đấu thầu chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này thì việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư ngân sách tại các dự án thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cần công khai, minh bạch và được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên hoạt động này nếu không chí công, vô tư thì vẫn có những kẽ hở cho lợi ích nhóm.

"Bỏ thầu sát giá cũng có nghĩa vốn đầu tư ngân sách không được giảm giá đáng kể sau hoạt động đấu thầu. Từ dấu hiệu này, cơ quan kiểm toán, thanh tra có thể vào cuộc kiểm tra, làm rõ xem có vấn đề tiêu cực trong hoạt động đầu tư, móc ngoặc giữa chủ đầu tư và nhà thầu để giành thầu hay không, vốn đầu tư được sử dụng như thế nào thông qua hoạt động đầu tư.

Nếu có sai phạm, có “đi đêm” giữa các bên liên quan thì cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự minh bạch, trong sạch trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN