Theo tin tức từ PLO, phiên tòa đươc mở do bị cáo kháng cáo. Sau đó, bị cáo đã rút yêu cầu kháng cáo đối với phần dân sự. Đối với phần hình sự, HĐXX tuyên y án sơ thẩm 19 năm tù.
Trước đó, ngày 21/11/2019, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Văn Văn Nghĩa (44 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Tân Tiến) 19 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc Nghĩa phải hoàn trả lại cho Quỹ TDND Tân Tiến 809 tỉ đồng, Quỹ TDND Thanh Bình 275 tỉ đồng và Quỹ TDND Dầu Giây hơn 42 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định để xảy ra thất thoát số tiền nêu trên còn có trách nhiệm của các các nhân, tổ chức khác, trong đó có cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai.
Cụ thể, đoàn kiểm tra, thanh tra giám sát của NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã thực hiện không đúng quy định về quản lý thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát hoạt động của 3 Quỹ TDND nói trên; Không phát hiện ra thủ đoạn làm hồ sơ giả, nâng khống, ký giả chữ ký khách hàng… tạo cơ hội cho Nghĩa chiếm đoạt tổng số tiền 1.127 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai và Viện KSND tỉnh chưa làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức này.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 11/2017, trong cương vị Chủ tịch hội đồng quản trị làm việc theo chế độ chuyên trách Quỹ TDND Tân Tiến (được thành lập vào năm 2011), Nghĩa đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn tại 3 Quỹ TDND: Tân Tiến, Thanh Bình (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) và Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) với tổng số tiền hơn 1,1 ngàn tỷ đồng của hơn 6,3 ngàn sổ tiết kiệm.
Sau khi huy động được tiền gửi của người dân, Nghĩa đã dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền tổng cộng hơn 560 tỷ đồng của khách hàng gửi tại 3 quỹ TDND nói trên.
Cụ thể từ năm 2014-2016, Nghĩa đã dùng số tiền huy động vốn để mua lại 2 quỹ TDND Dầu Giây và Thanh Bình (đang hoạt động thua lỗ) nhằm chiếm đoạt 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nghĩa đã yêu cầu kế toán, thủ quỹ lập 2 hệ thống sổ sách (1 hệ thống báo cáo chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 1 hệ thống báo cáo quản trị nội bộ).
Đến cuối năm 2017, số tiền Quỹ TDND Tân Tiến huy động được ngoài sổ sách kế toán báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hơn 170 tỷ đồng. Nghĩa cũng đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.
Cáo trạng cũng xác định, từ năm 2012-2015, vì cần tiền kinh doanh nên Nghĩa mua hồ sơ tín dụng giả mang tên nhiều người và 80 giấy đăng ký xe ô tô giả, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả làm tài sản thế chấp để hợp thức hóa số tiền Nghĩa chiếm đoạt.
Với những hồ sơ giả này, Nghĩa chỉ đạo nhân viên làm các hồ sơ tín dụng cho vay khống (không có khách hàng thật) nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 73 tỷ đồng. Đồng thời, Nghĩa cũng chỉ đạo Quỹ TDND Tân Tiến chi lương khống gần 320 triệu đồng cho 2 nhân viên (thực tế không nhận tiền lương) rồi chiếm đoạt.
Theo cáo trạng, Nghĩa còn dùng số tiền huy động được của 3 quỹ TDND nói trên để mua, đầu tư xây dựng chung cư; mua cổ phần của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước; nhờ người khác đứng tên mua bất động sản xe cộ, máy móc, thiết bị… Nghĩa cũng dùng tiền huy động vốn từ 3 quỹ TDND nói trên gửi lại tại các tổ chức tín dụng khác và rút ra chiếm đoạt cho mục đích cá nhân.
Đến thời điểm năm 2017, khi bị phát hiện vi phạm pháp luật thì Nghĩa đã thành lập 11 công ty chi nhánh. Nhưng thực chất các doanh nghiệp này không có vốn hoặc lấy nguồn vốn huy động từ 3 Quỹ TDND: Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây. Bằng cách này Nghĩa cũng chiếm đoạt gần 19 tỷ đồng...