Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:11
RSS

Xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại Quảng Nam: Đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh

Thứ năm, 12/10/2017, 09:09 (GMT+7)

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu khi mới đây một ổ bạch hầu mới đã xuất hiện tại trường học khiến 1 học sinh tử vong.

Ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở Quảng Nam làm một người tử vong
Xất hiện ổ dịch bạch ở Quảng Nam khiến 1 học sinh tử vong. Ảnh Người Đưa Tin

Ngày 11/10, sở Y tế tỉnh Quảng Nam xác nhận, vừa xuất hiện một ổ dịch bạch hầu tại trường Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My).

Sáng ngày 29/9, phía sở Y tế tỉnh nhận được thông báo từ Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My về một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại trường Tiểu học Trà Vân. Được biết, hiện 6 ca đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Nam Trà My, đáp ứng với điều trị và tiến triển tốt và một ca bệnh đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã nhanh chóng có mặt tại địa phương để lấy mẫu dịch đi xét nghiệm.

Phía Sở Y tế Quảng Nam cũng đã công bố ổ dịch cũng như triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát khống chế dịch bệnh để chống lây lan. Đồng thời khoanh vùng xử lý ổ dịch để tránh lây lan.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở Quảng Nam
Ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở Quảng Nam, người dân cần chú ý các biểu hiện của bệnh để có thể tới các cơ sở y tế kịp thời

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện của bệnh thường diễn biến từ nhẹ đến nặng. Các biểu hiện như ả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong…

Các triệu chứng điển hình khi mắc bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, đau họng, khản tiếng, chán ăn… Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.

Thời gian ủ bệnh thường từ 2 – 5 ngày. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh.

Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN