Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:54
RSS

Xuất hiện bệnh nhân đầu tiên tử vong liên quan cúm A/H3

Thứ ba, 11/09/2018, 19:30 (GMT+7)

Một bệnh nhân mắc cúm A/H3 nhưng không đến bệnh viện thăm khám mà tự uống thuốc ở phòng khám tư dẫn đến bệnh tình càng nặng và tử vong sau đó.

Xuất hiện bệnh nhân đầu tiên tử vong liên quan cúm A/H3
Xuất hiện bệnh nhân đầu tiên tử vong liên quan cúm A/H3. Ảnh minh họa.

Hôm nay 11/9, bác sĩ Võ Hồng Khanh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết: Theo bệnh sử của bệnh nhân T., ngày 23/8/2018, bệnh nhân sốt, ho tự mua thuốc uống rồi điều trị ở phòng khám tư với tình trạng sốt, ho kèm theo khó thở, ăn uống kém.

Sau 2 ngày bệnh trở nặng, T. được người nhà đưa đi nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện (BV) Nguyễn Đình Chiểu (BV tuyến tỉnh) trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, ngưng tim 2 lần, Thanh niên đưa tin.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán là viêm phế quản cấp; bệnh nhân được điều trị ở Khoa Nội và Hồi sức tích cực nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Khuya 26/8, bệnh nhân được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt Đới (TP.HCM) với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi cúm, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng, rối loạn điện giải, trào ngược dạ dày thực quản.

Kết quả chụp X-quang tại BV Bệnh Nhiệt đới cho thấy phổi trái và đáy phổi của bệnh nhân mờ toàn bộ, dương tính với cúm A/H3. Bệnh nhân được điều trị thở máy, lọc máu, vận mạch, kháng sinh,…

Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân mê sâu, không đáp ứng các điều trị. Vì vậy, gia đình xin về và T. tử vong tại nhà sau đó.

Trong gia đình của bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân chưa ghi nhận ca bệnh cúm. Tại huyện Giồng Trôm cũng chưa ghi nhận có hiện tượng gia cầm chết, không ghi nhận hiện tượng tăng bất thường số ca bệnh cúm đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.

Theo thống kê của Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong năm 2016, chủng virus cúm A/H3 lưu hành chủ yếu, tiếp đó là chủng virus cúm A/H1N1 và cúm B, Dân trí đưa tin. 

Theo đó, tại Việt Nam trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên. Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Đặc tính nổi bật nhất của cúm là khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Tuy nhiên đại đa số các trường hợp diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... Bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắcxin cúm mùa phòng bệnh.


Xem thêm: Sau 25 ngày điều trị ung thư phổi, Mai Phương được xuất viện​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN