Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:23
RSS

Xử vụ container tông Innova trên cao tốc: Yêu cầu bất ngờ của bị cáo

Thứ năm, 13/02/2020, 12:12 (GMT+7)

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng đề nghị thay đổi kiểm sát viên Vũ Xuân Hữu vì cho rằng phiên sơ thẩm lần một chính kiểm sát viên này đã từng thụ lý vụ án.

Toàn cảnh phiên tòa

Sáng 13/2, TAND thị xã Thái Nguyên tiến hành mở phiên xét xử công khai vụ án container tông Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova) và Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container) cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 3 điều 202 BLHS năm 1999, với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.

Trong phần thủ tục, bị cáo Hoàng đề nghị thay đổi kiểm sát viên Vũ Xuân Hữu vì cho rằng phiên sơ thẩm lần một chính kiểm sát viên này đã từng thụ lý vụ án. Tuy nhiên, chủ tọa Hà Thị Thu Thủy không chấp nhận yêu cầu này vì không có căn cứ.

Bản thân ông Hữu cũng cho rằng quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội dù tuyên hủy cả hai bản án nhưng không hề nhận định có sự vi phạm tố tụng của kiểm sát viên hoặc điều tra viên, do vậy đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử, không chấp nhận đề nghị của bị cáo Hoàng.

HĐXX hỏi bị cáo Hoàng, bị cáo Hoàng cho biết, khi nhìn thấy xe màu trắng (Innova) phía trước bị cáo đạp chết phanh xe luôn không chuyển làn đường được. Lúc này, xe bị cáo cách xe bị cáo Sơn khoảng hơn 50m. Vết phanh xe trên đường là phanh xe của bị cáo. Trong biên bản hiện trường có 1 số vị trí không đúng như vị trí chiếc xe Innova không còn nguyên ở hiện trường, bị kéo ra, dấu vết số 5 không phải của xe Innova...

Khoảng cách đuôi xe bị cáo Sơn và đầu xe bị cáo dính vào nhau bị cáo không nhớ rõ là bao nhiêu. Trước lúc anh Trung ngã, anh Trung hỏi bị cáo, xe làm sao thế vì anh ấy đang ngủ ở sàn xe. 

Vụ container tông Innova đi lùi trên cao tốc: Tài xế đề nghị thay đổi kiểm soát viên

Bị cáo Hoàng tiếp tục nói mình không có lỗi

Khi HĐXX hỏi bị cáo Hoàng nhớ gì trong vụ tai nạn trên, bị cáo Hoàng cho biết, bị cáo nhận thấy mình không có lỗi gì. Sau tai nạn, bị cáo cùng gia đình đến thăm hỏi các gia đình có người bị nạn. Đấy chỉ là tình cảm của bị cáo đối với gia đình bị nạn. Chiếc xe bị cáo đang chạy là mua của Công ty Hiếu Thảo và vẫn đang nợ tiền chưa trả hết. 

Còn theo cơ quan công tố, nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do Ngô Văn Sơn điều khiển xe trong hơi thở có nồng độ cồn, chở quá số người được phép, lùi xe ở khu vực cấm dừng, vi phạm khoản 2 Điều 16, khoản 8 Điều 8 và điểm d khoản 1 Điều 68 của Luật Giao thông đường bộ.

Trong khi đó, Lê Ngọc Hoàng không tuân thủ quy định về tốc độ chạy xe trên đường, cụ thể là không giảm tốc độ xuống 60 km/h khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm “Đi chậm” mà vẫn di chuyển với tốc độ 62 km/h, vi phạm Điều 12 Luật Giao thông đường bộ.

Ngoài ra, Hoàng không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT. Bởi theo sự giải thích của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi Sơn điều khiển xe lùi và có bật đèn cảnh báo nguy hiểm thì thuộc trường hợp giao thông không bình thường.

Phiên tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào buổi chiều ngày 13/2

Khi gặp trường hợp này, Hoàng phải khẩn trương giảm tốc độ tới mức an toàn, có thể giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu và nếu nguy hiểm không thể đi được thì phải dừng lại.

Đáng chú ý, VKSND thị xã Phổ Yên cho biết một số nội dung yêu cầu điều tra lại tại quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao không thể thực hiện được. Ví dụ: xác định tình trạng kỹ thuật hệ thống phanh của xe ô tô đầu kéo và rơmoóc; với tốc độ và trọng lượng xe như trong vụ án thì khi nhấn phanh chết xe còn di chuyển bao nhiêu mét mới dừng hẳn...

Tuy nhiên, VKS khẳng định những nội dung này không làm ảnh hưởng tới việc xác định trách nhiệm hình sự đối với Lê Ngọc Hoàng.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN