Thứ bảy, 18/01/2025 | 09:37
RSS

Xử trí phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thế nào?

Thứ bảy, 16/04/2022, 11:52 (GMT+7)

Để đảm bảo an toàn cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quá trình tiêm vaccine Covid-19, các phụ huynh cần đặc biệt chú ý cẩn thận, chăm sóc và theo dõi trẻ trước, trong và sau quá trình tiêm chủng. Kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường nguy hiểm với trẻ.

Sự kiện:
vaccine

Thông tin trên báo Tiền Phong cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có Quyết định số 325/QĐ-VSDTTƯ về việc phân bổ 921.600 liều vaccine Moderna phòng covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 -11 tuổi do Chính phủ Australia viện trợ. Cụ thể, Hà Nội được phân bổ 72.700 liều, TPHCM: 87.500 liều, Thanh Hoá: 35.700 liều; Nghệ An: 34.000 liều; Đồng Nai là 31.000 liều; Quảng Ninh: 20.000 liều; Bình Dương: 19.700 liều; Bắc Giang: 18.600 liều; Hải Dương: 18.200 liều; An Giang: 17.000 liều; Nam Định: 17.600 liều; Kiên Giang: 16.500 liều; Gia Lai: 16.200 liều,... Theo Bộ Y tế, số lượng vắc xin được phân bổ tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại từng địa phương.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm ngay số vắc xin phòng Covid-19 được phân bổ, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố theo phân vùng quản lý.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi trong quá trình tiêm chủng, các phụ huynh cần đặc biệt chú ý cẩn thận, chăm sóc và theo dõi trẻ trước, trong và sau quá trình tiêm chủng. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường nguy hiểm với trẻ.

Theo báo Người lao động, để việc tiêm chủng được an toàn các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn, uống đầy đủ trước và sau khi tiêm. Không để trẻ tiêm vaccine trong tình trạng đói hay quá no. Ngoài ra, không nên cho trẻ uống những loại nước có ga, cồn, chất kích thích, nước tăng lực... trước, trong và sau ngày tiêmm chủng vì những chất này có thể gây tim đập nhanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Các chuyên gia cũng đề nghị cha mẹ, người giám hộ cần thông báo cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng.

Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc- xin Covid-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Xử trí phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thế nào

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ trên báo Sức khoẻ & Đời sống, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, ngay sau tiêm là khoảng thời gian quan trọng nhất vì đây là thời điểm các phản ứng xấu thường xuất hiện.

Tuy nhiên, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau khi tiêm với sự giám sát của đội ngũ y tế có chuyên môn. Do đó, thời gian nguy hiểm đã được đảm bảo. Phụ huynh cần theo dõi sát sao trẻ trong vòng 3 ngày sau tiêm. Cần chú ý từ những bất thường, những biểu hiện nhỏ nhất của trẻ để có thể đưa ra hướng chăm sóc và điều trị kịp thời.

Hiện tượng sốt và đau tại chỗ tiêm là phản ứng phổ biến nhất mà trẻ có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Phụ huynh không cần quá lo lắng về các triệu chứng này.

Bác sĩ Hiền Minh khuyến cáo, tuyệt đối không đắp lá cây hay bôi thuốc gì lạ lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt, phụ huynh cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, phụ huynh không cần lo lắng vì các phản ứng tại vết tiêm như chai cứng, nổi u cục, phát ban, đau nhức,.. sẽ tự biến mất sau khoảng một thời gian mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Trường hợp trẻ có gặp các triệu chứng như sốt, ho, tức ngực, mệt mỏi thì tình trạng này cũng sẽ thuyên giảm và ổn dần. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở khi hoạt động bình thường và khi nằm, sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ, vân tím và phát ban trên da thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại