Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:22
RSS

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Luật sư tranh luận về quan điểm luận tội của VKS

Thứ ba, 23/01/2018, 18:09 (GMT+7)

Trong ngày xét xử thứ 12 vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, luật sư tiếp tục phần tranh luận về quan điểm luận tội của VKS.

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Luật sư tranh luận về quan điểm luận tội của VKS
Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Luật sư tranh luận về quan điểm luận tội của VKS. Ảnh Tri thức trực tuyến

Luật sư Phan Đức Linh bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho rằng mức án 11-13 năm tù mà mà VKS đề nghị cho thân chủ của ông là quá nghiêm khắc. Luật sư cũng cũng xin xem xét cấn trừ thiệt hại từ tiền tăng vốn điều lệ như bị cáo Danh hay bị cáo Mai đã trình bày.

Trong phần bào chữa bổ sung, liên quan đến chuyện tăng vốn điều lệ, Mai Hữu Khương cho rằng phải làm rõ được việc tăng thêm 4.500 tỷ đồng, ông Phạm Công Danh được và mất gì. Theo bị cáo Khương, nếu không tăng vốn ngân hàng sẽ phá sản. Nhưng nếu phải tăng lên 4.500 tỷ, ông Danh không thể xoay xở nổi, Tri thức trực tuyến đưa tin.

“Ông Danh nhiều lần xin giãn tiến độ tăng vốn điều lệ. Đơn giản vì tiền đâu ra? Ngoài một số ngân hàng quốc doanh lớn, chưa từng có ngân hàng nào tăng vốn điều lệ một mạch từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng cả. Tình thế đó bắt buộc ông Danh phải làm sai. Làm sai để cứu ngân hàng”, Mai Hữu Khương nói, Tri thức trực tuyến đưa tin.

Về người sở hữu khoản tiền 4.500 tỷ đồng, bị cáo Khương khẳng định ông Phạm Công Danh vẫn là người sở hữu. "Tiền này là tiền của ông Danh, không thể bàn cãi”, bị cáo Khương nói. 

Nếu được chấp thuận tăng vốn, Ngân hàng Xây dựng được quyền dùng số tiền này, ông Danh được sở hữu cổ phiếu. Tuy nhiên, khi NHNN không cho tăng vốn, 4.500 tỷ vẫn thuộc sở hữu của ông Danh.

Luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB) tập trung làm rõ bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Mai. Luật sư cho rằng bị cáo Mai chỉ là người làm công ăn lương, không lường trước được hậu quả.

Vào 14h30, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận, luật sư Hoài Nam bào chữa bị cáo Hoàng Đình Quyết cho biết bị cáo Quyết lập 4 hồ sơ vay vốn của 4 công ty Thịnh Phát, Đại Phát, Lộc Hà, Long Khánh vay 620 tỷ đồng, Kinh tế & Tiêu dùng đưa tin.  

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Luật sư tranh luận về quan điểm luận tội của VKS
Luật sư Hoài Nam

Dòng tiền này thông qua ủy thác tại Quỹ Lộc Việt, sau đó chuyển về cho Phạm Công Danh tại Tập đoàn Thiên Thanh. Theo luật sư, vai trò của bị cáo Quyết trong các hành vi sai phạm thuộc phạm vi vụ án là rất mờ nhạt. Bị cáo Quyết chủ yếu làm theo chỉ đạo, chủ trương của cấp trên đã phê duyệt và không được hưởng lợi gì từ hành vi.

Luật sư mong HĐXX đánh giá toàn diện, xem xét tuyên bị cáo Quyết mức án khoan hồng. Số tiền hơn 600 tỷ đồng vay được từ 4 công ty có đường đi rõ ràng, Quyết không sử dụng vào mục đích cá nhân. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên thu hồi khoản tiền này để khắc phục hậu quả của vụ án.

Bị cáo Quyết cảm ơn 2 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo. Bị cáo cảm thấy có lỗi với người thân, gia đình, đồng nghiệp và bản thân mình. Nguồn tiền 600 tỷ đồng đã chuyển cho bà Phấn, mong HĐXX xem xét thu hồi. Số tiền 194 tỷ đồng và một số nguồn tiền khác được xem là bằng chứng vụ án, bị cáo Quyết cũng mong HĐXX truy thu tiền để bù đắp thiệt hại.

Luật sư hoàn toàn đồng ý với VKS về nội dung tại hai ngân hàng nhưng không đồng ý với vai trò của bị cáo Viễn. Luật sư cũng không đồng ý với mức án 6 - 7 năm cho bị cáo Viễn.

Về vấn đề lập khống hồ sơ, cáo trạng cáo buộc bị cáo Viễn lập khống. Theo bị cáo Viễn khai nhận, các đề nghị vay vốn và phương án kinh doanh đều có sẵn trong mẫu. Nội dung lập ra, giấy đề nghị là do Phan Minh Tùng, phương án kinh doanh do Phan Minh Tùng hoàn thiện, căn bản là thông tin đã có sẵn, bị cáo Viễn chỉ như 1 người đánh máy và người điền thông tin. 

Hồ sơ sau khi hoàn thiện thì cũng không phải do bị cáo Viễn mang ra, không tham gia vào việc giải ngân của các ngân hàng. Theo cáo trạng tại trang 93, VKS cáo buộc bị cáo viễn tham gia họp bàn, thống nhất làm hồ sơ vay vốn của các công ty tại các ngân hàng. Theo luật sư, cáo buộc này không hề có căn cứ.

Theo luật sư Viễn thì các hành vi VKS buộc tội không phù hợp vì bị cáo Viễn mang hồ sơ đi, hồ sơ cũng là hồ sơ pháp nhân và phân sơ bộ nhu cầu vay vốn của 6 công ty chứ không phải hồ sơ vay vốn tín dụng.

Luật sư cũng khẳng định rằng, tại tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Viễn đã khẳng định không ký những nghị quyết Hội đồng quản trị liên quan đến việc dùng tiền gửi của VNCB để bảo lãnh, cấp tín dụng trái pháp luật cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn tại Sacombank và BIDV.

Luật sư cũng khẳng định là hồ sơ do bị cáo Khương mang ra chứ bị cáo Viễn không tham gia ký kết các bản nghị quyết thông qua cho vay. Việc biên bản có tên tham gia không có ý nghĩa gì cả vì bị cáo Viễn không tham gia bàn thảo hay ký biên bản gì cả.

Luật sư cho rằng, bị cáo Viễn mong muốn cho ngân hàng sớm tăng vốn điều lệ, vượt quá khó khăn, không có gì tư lợi. Mong HĐXX xem xét với vai trò này của bị cáo và thu hồi tiền tại 2 ngân hàng BIDV, Sacombank để bù đắp thiệt hại.

Luật sư nêu hoàn cảnh gia đình bị cáo, có công với cách mạng... mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ tội danh. Hành vi của bị cáo Viễn năm 2013 trùng với giai đoạn 1, do đó mức án 6 - 7 năm là quá cao, nặng nề. Đây là điều bất lợi khi tách vụ án thành 2 giai đoạn, luật sư cho biết.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét đưa ra mức án thấp hơn với mức đề nghị của VKS để cho được tính khách quan, niềm tin vào cuộc sống, có cơ hội chăm sóc gia đình.

Bị cáo Viễn cảm ơn HĐXX, VKS, luật sư bào chữa. Về hành vi của bị cáo, bị cáo mong HĐXX xem xét. Về nguồn tiền sai phạm, mong hĐXX thu hồi các khoản tiền 4.500 tỷ đồng, 600 tỷ đồng đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn và một số nguồn khác để khắc phục hậu quả cho vụ án này.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN