Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:04
RSS

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Xem xét vai trò của Phạm Công Trung

Thứ hai, 15/01/2018, 11:41 (GMT+7)

Phạm Công Trung - em trai của Phạm Công Danh có vai trò thế nào? Tại sao năm 2015, Cơ quan CSĐT đã có lệnh khởi tố và bắt giam với Phạm Công Trung, sau đó VKS có quyết định không phê chuẩn việc khởi tố?

 

Xem xét vai trò của Phạm Công Trung

Cần Xem xét vai trò của Phạm Công Trung trong sai phạm của Phạm Công Danh

Ngày 30/3/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra đã có lệnh khởi tố và bắt giam với Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh. Tuy nhiên, ngày 12/11/2015, Viện kiểm sát chính thức có quyết định không phê chuẩn việc khởi tố với Phạm Công Trung.

Phạm Công Trung đã giúp anh trai thế nào?

TAND TP HCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây Phạm Công Trung đã được triệu tập đến tòa để làm vai trò của ông Trung trong sai phạm của Phạm Công Danh. 

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, để tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Xây Dựng từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, do không thể rút tiền trực tiếp từ Ngân hàng Xây Dựng, do Ngân hàng Xây Dựng đang bị Ngân hàng Nhà nước giám sát, Phạm Công Danh đã chủ trương dùng tiền của Ngân hàng Xây Dựng gửi sang BIDV, dùng số tiền này làm tài sản đảm bảo để BIDV cho các công ty của Danh vay.

Do BIDV không thể cho vay tiền với mục đích góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng Xây Dựng, Phạm Công Danh chỉ đạo các cá nhân khác lập hồ sơ khống là kinh doanh vật liệu xây dựng để làm mục đích vay tiền BIDV.

Không chỉ đứng tên vay tiền tại BIDV, các công ty này còn được Phạm Công Danh sử dụng để vay tiền tại Sacombank, TPBank, Ngân hàng Xây Dựng, là công cụ chủ yếu để Phạm Công Danh rút ra 18.000 tỷ đồng trong vụ án

Tất cả 12 công ty được chọn để vay tiền BIDV đều không hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng. Giám đốc các công ty đều được "dựng" lên cho có với vai trò là… bù nhìn. Đó là nhân viên bảo vệ, rửa xe … của Phạm Công Danh, Phạm Công Trung.

Để làm phương án kinh doanh trong hồ sơ vay vốn BIDV, các cá nhân lấy số liệu của 30 dự án xây dựng, đem về cho Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Lưu Trung Kiên, Phan Minh Tùng lập hợp đồng mua bán khống giữa 12 công ty đứng tên vay vốn và 29 công ty bên ngoài. Phạm Công Danh, Phạm Công Trung cùng các cá nhân khác lập 67 Hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng khống ký giữa 12 công ty với các đối tác khác.

Trong 67 Hợp đồng này, có 4 Hợp đồng của Công ty Việt Trung (do chính Phạm Công Trung làm giám đốc), có một hợp đồng do Nguyễn Minh Tuấn (cháu Phạm Công Trung) ký. Tuấn thừa nhận ký hợp đồng theo yêu cầu của Trung và Phạm Công Trung thừa nhận việc này.

Cơ quan điều tra cũng xác định, không chỉ gúp sức tích cực cho Phạm Công Danh, Phạm Công Trung và gia đình còn trực tiếp hưởng lợi tiền rút ra từ BIDV. Phạm Công Danh, Phạm Công Trung và gia đình (Phạm Tòa, bố đẻ; Quách Kim Chi, vợ Danh; Phạm Thị Hồng Hoa, Phạm Thị Kim Loan, Phạm Thị Hồng Liên – chị em ruột) đều đứng tên, sở hữu cổ phần Ngân hàng Xây Dựng.

Nguồn tiền mua cổ phần này là từ 4.700 tỷ đồng vay BIDV. Phạm Công Trung không thể không biết mình đã dùng tiền rút từ BIDV để mua cổ phần Ngân hàng Xây Dựng.

Trả lời tại tòa mới đây, Phạm Công Trung cho biết doanh nghiệp này thành lập năm 2007, ông Trung giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty.

Đáng chú ý, để lập hồ sơ vay số tiền 4.700 tỉ đồng, Phạm Công Danh đã lập 67 hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng khống ký giữa 12 công ty với các đối tác khác. Trong 67 hợp đồng này, trong đó có 4 hợp đồng của Công ty Việt Trung (do Phạm Công Trung làm giám đốc) ký với các đối tác.

Phạm Công Trung cũng xác nhận việc công ty Việt Trung ký mua vật liệu xây dựng sắt thép, xi măng để làm siêu thị từ công ty Nhất Nhất Vinh (một trong các công ty được Phạm Công Danh lập ra) với trị giá 24 tỷ đồng.

“Không rõ tại sao có hợp đồng, không ký, không chỉ đạo”, Phạm Công Trung nói. Tuy nhiên, dù Trung không ký trực tiếp nhưng lại ủy quyền cho Tuấn - cháu của mình ký kết.

Khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV liên quan đến ông Trung

Trả lời về khoản vay 4.700 tỷ từ ngân hàng BIDV, ông Trung khẳng định, không tham gia và cũng không được mời tham gia vào quá trình vay mượn này. "Khi ngân hàng VNCB thiếu người thì anh Danh gọi tôi về làm Phó giám đốc phụ trách hành chính, nhân sự", báo Vietnamnet dẫn lời ông Trung.

Giải thích về việc giúp đỡ một số nhân viên của anh trai đi đăng ký thành lập công ty (công ty “ma”, sân sau của Thiên Thanh), ông Trung cho hay: “Anh Danh nhiều lần nói với tôi là cố gắng động viên anh em làm việc. Ai có thể mở công ty thì giúp đỡ họ và sau này cũng thuận tiện hơn cho công việc của Tập đoàn Thiên Thanh. Tôi tin tưởng anh trai mình và cũng nghĩ vô tư nên giúp đỡ thôi”.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về suy nghĩ gì khi anh trai thành lập nhiều công ty trong đó giám đốc công ty lại là bảo vệ và các công ty này thực ra không hoạt động; bản thân ông Trung chính là người đã giúp đỡ bị cáo thành lập lên các công ty này?

Ông Trung nói: “Tôi có niềm tin vào anh tôi sẽ làm tốt mọi việc nên tôi nghĩ anh Danh thành lập để làm tốt hơn, nhưng khi thực hiện có những việc không như mong muốn nên mới dẫn tới hậu quả như hôm nay”.

Không chỉ có ảnh hưởng quan trọng tại Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Trung còn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây Dựng.

Theo Cơ quan điều tra, các cá nhân liên quan đã tham gia họp và được Phạm Công Danh chỉ đạo gồm: Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Lưu Trung Kiên … đều khẳng định Phạm Công Trung có tham gia họp bàn và được Danh giao thu thập thông tin dự án để lập hồ sơ khống vay tiền BIDV.

Trong hành vi vay tiền tại BIDV, Cơ quan điều tra nhận định mặc dù không ký trực tiếp trên hồ sơ nhưng vai trò của Phạm Công Trung rất rõ nét và quan trọng hơn vai trò của Phan Minh Tùng và một số cá nhân khác đã và đang bị xử lý hình sự.

Khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV bằng hồ sơ khống sau đó đã được Phạm Công Danh trả nợ bằng 3.070 tỷ đồng của Ngân hàng Xây Dựng tại BIDV và các khoản rút trái phép khác từ Ngân hàng Xây Dựng. Đến nay Ngân hàng Xây Dựng không thu hồi được số tiền này.

Trong quá trình điều tra, ngoài việc ra quyết định khởi tố, tạm giam Phạm Công Trung, Cơ quan điều tra đã kê biên 44 bất động sản mang tên Công ty Việt Trung do Phạm Công Trung làm giám đốc.

Thế nhưng, rất bất ngờ trong quá trình xét xử vụ án tại giai đoạn 1, Tòa đã quyết định giải tỏa kê biên, trả lại các tài sản này cho Công ty Việt Trung đồng thời không truy xem xét trách nhiệm hình sự.

Việc Phạm Công Trung khai không biết gì về quá trình vay mượn tại BIDV hay chối hết vai trò giúp sức anh trai Phạm Công Danh là khó chấp nhận.

Anh Quân
Theo Đời sống Plus/GĐVN