Đề nghị tuyên phạt Phạm Công Danh 20 năm tù giam. Ảnh Dân việt
Sáng nay (22/1), phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng các đồng phạm thực hiện hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng tiếp tục diễn ra. Sau nhiều ngày xét hỏi, hôm nay phiên tòa bước qua phần tranh tụng, báo Dân việt đưa tin.
Tại tòa, đại diện VKS giữ quyền công tố đã công bố bản luận tội đối với các bị cáo. VKS nhận định, vì lợi ích cá nhân, Phạm Công Danh đã lôi kéo hàng loạt lãnh đạo các ngân hàng: VNCB, Sacombank, TPBank, BIDV tham gia thực hiện hành vi cố ý làm trái, dùng 29 công ty lập hồ sơ khống vay tiền của các ngân hàng với số tiền hơn 8.000 tỷ đồng, qua đó gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng. Hành vi của Phạm Công Danh cùng 45 bị cáo khác là nguy hiểm cho xã hội gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án này, Phạm Công Danh là người đưa ra chủ trương, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo tùy vị trí, vai trò và năng lực trình độ chuyên môn đã cấu kết chặt chẽ, với thủ đoạn gian dối dùng 6.126 tỷ đồng của VNCB bảo lãnh cho các công ty vay tiền tại Sacombank, TPBank, BIDV. Tại tòa, bị cáo Danh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và cho rằng thực hiện điều này là do áp lực tăng vốn điều lệ... Do đó, bị cáo mong HĐXX xem xét.
Đại diện VKS nhận định, số tiền thiệt hại trên 6.126 tỷ đồng là số tiền lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đến nay chưa được thu hồi trả lại cho Ngân hàng CB (trước đây là VNCB).
Tại phiên tòa, ông Danh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và cho rằng nguyên nhân là do áp lực tăng vốn, cộng với các khoản nợ phải trả cho các tổ chức, cá nhân, Infonet đưa tin.
“Tuy Danh khai báo thành khẩn, ăn năn hối hận, gia đình có công với cách mạng, bản thân cũng cho nhiều thành tích, tuy nhiên không thể giảm nhẹ mà phải áp dụng mức án cao nhất với tội danh truy tố để tương xứng với hành vi phạm tội đã gây ra” – VKS cho hay.
Với bị cáo Trầm Bê, VKS nhận định rằng ông Bê “có mối quan hệ thân thiết với Phạm Công Danh từ trước”. Đồng thời khi biết ông Danh không thể vay tiền được của VNCB nên đã đồng ý cho vay với điều kiện có tài sản đảm bảo.
Từ đó, ông Bê chỉ đạo cho Phạm Huy Khang và giao xuống các phòng giao dịch cho 6 công ty của ông Danh vay 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ của 6 công ty này đều được lập khống. Sau cho vay, cấp dưới cũng không kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền.
Tại phiên tòa, ông Bê thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho biết mình nhận thức rằng ông Danh có thể vay tiền khi có tài sản đảm bảo. Bị cáo cũng nhận trách nhiệm nhưng cho rằng Luật các tổ chức tín dụng không rõ ràng nên mong xem xét.
Đáp lại, VKS cho rằng quan điểm trên của ông Bê là “chưa nhận thức đúng Luật các tổ chức tín dụng”, bởi VNCB không được bảo lãnh cho các công ty của ông Danh, đồng thời Sacombank cũng không được cho các công ty của ông Danh vay tiền.
Trong khi đó, các chi nhánh của Sacombank cũng có nhiều vi phạm như không thẩm định khách hàng, vi phạm trong giám sát sử dụng vốn cho vay, dù hồ sơ chưa đủ vẫn phê duyệt… Do vậy VKS nhận định rằng ông Bê đã tạo điều kiện, giúp sức cho ông Danh vay tiền để sử dụng trái quy định.
Từ các lập luận trên, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) 20 năm tù, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) từ 13-15 năm, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) từ 11-13 năm;
Bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Sacombank) từ 5-6 năm, bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) từ 4-5 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quản nghiêm trọng”. Hiện đại diện VKS đang tiếp tục đề nghị mức án các bị cáo khác.