Thứ ba, 16/04/2024 | 13:50
RSS

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo đồng loạt xin giảm án

Thứ tư, 24/01/2018, 14:20 (GMT+7)

Trong phiên xử Phạm Công Danh giai đoạn 2 vào sáng nay, các bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối hận trước hành vi của mình và mong HĐXX giảm án.

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo đồng loạt xin giảm án
Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo đồng loạt xin giảm án

Sáng nay 24/1, các luật sư bào chữa cho 46 bị cáo trọng vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 lần lượt trình bày quan điểm bảo vệ thân chủ về cáo buộc Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB.  

HĐXX mời các Luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, luật sư Xuân bào chữa cho bị cáo Hồ Thị Đi, bị cáo Thành; tuy nhiên luật sư của 2 bị cáo này không có mặt. Hai bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa. HĐXX đề nghị các vị luật sư nghiêm túc thực hiện quy định tại tòa và chỉ những trường hợp được tòa cho phép mới được bào chữa sớm, theo Kinh tế & Tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Xuân Hưng bào chữa cho bị cáo Trần Hiệp (nguyên thành viên HĐQT VNCB, giám đốc Công ty TNHH MTV Phong Hiệp, VKs đề nghị mức án 4-5 năm tù), bị cáo Lê Duy Thọ (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Kỳ Nam, VKS đề nghị mức án 3 năm tù, cho bị cáo hưởng án treo).

Luật sư nêu quá trình làm việc tại Tập đoàn Thiên Thanh. Mức lương hưởng từ Tập đoàn Thiên Thanh chứ không phải từ việc cho làm giám đốc công ty Phong Hiệp như cáo trạng.

Bị cáo không biết các chứng từ đó là gì, bảo ký là ký, thậm chí ký vào giấy A4 trồng. Do sự thiếu hiểu biết, quá tin tưởng vào nhân viên hành chính tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo thừa nhận hành vi, tuy nhiên, mức án của bị cáo là quá nghiêm khắc đối với bị cáo. Do đó HĐXX xem xét đối với hình phạt của bị cáo Trần Hiệp, bởi bị cáo đã rất ăn năn, hối hận trước hành vi của mình.

Bản thân bị cáo Hiệp đang bị bệnh nan, sức khỏe không đảm bảo, phải chữa lâu dài. Luật sư trình bày hoàn cành gia đình khó khăn của bị cáo, gia đình có công với cách mạng… Đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ tình tiết phạm tội cho bị cáo để bị cáo có thời gian được ở ngoài lao động, để chữa bệnh.

"Do đó tôi đề nghị HĐXX xem xét đối với trường hợp của bị cáo Hiệp, đề nghị áp mức thấp hơn mức án VKS, được hưởng án treo", luật sư nêu quan điểm.

Đối với bị cáo Lê Duy Thọ, luật sư cho biết bị cáo chấp nhận khung xử phạt VKS đã đề nghị và xin HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, nhân thân rõ ràng, hoàn cành gia đình khó khăn…, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng án treo.

Bị cáo Hữu Thọ cho biết, trong suốt quá trình xét xử, bị cáo nhận thức sai phạm của mình, bị cáo rất hội hận, không có ý kiến gì khác. "Mong HĐXX xem xét, bị cáo không cố ý gây ra những hậu quả trên, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, không áp dụng mức phạt cách ly với xã hội".

Luật sư Trí bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Phúc (nguyên Giám đốc công ty TNHH MTVXD Phúc Văn, VKS đề nghị mức án 3-4 năm tù), bị cáo Nguyễn Hồng Dũng (nguyên Tổng giám đốc công ty TNHH MTV XD&KD Nhà Đại Long, VKS đề nghị mức án 3-4 năm tù); và bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Dịch vụ An Phát, VKS đề nghị mức án 2-3 tù, cho hưởng án treo).

Luật sư cho biết vai trò của các bị cáo là giúp sức nhưng không đáng kể, đề nghị giảm hình phạt cho 3 bị cáo. "Các bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng..., mong HĐXX xem xét cho các bị cáo hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc gia đình".

Trình bày tại tòa, bị cáo Tuấn cho biết không được chỉ đạo trực tiếp từ Phạm Công Danh, bị cáo chỉ là nhân viên của Thiên Thanh, bị cáo không được hưởng lợi. Quá trình điều tra bị cáo cũng hợp tác với cơ quan điều tra, bản thân bị cáo cũng đang bị bệnh. Do không hiểu biết pháp luật nhiều nên mới sai phạm.

Về phần các số tiền vay, bị cáo không sử dụng nên mong HĐXX thu hồi của những người đã sử dụng. Tuấn xin HĐXX xem xét để có điều kiện chăm sóc gia đình và bản thân.

Bị cáo Phạm Văn Phúc mong HĐXX xem xét cho hình phạt nhẹ vì chỉ là người làm công ăn lương. Bị cáo kí vay nhưng không có biết. Gia đình khó khăn, mẹ đã già, bệnh yếu.

Bị cáo Dũng tự bào chữa: Bị cáo chỉ đứng tên làm giám đốc chứ không biết hoạt động của cty, bị cáo cũng không được hưởng lợi. Gđ bị cáo có công với cách mạng, cha bc bị bệnh và được nhà nước cấp cho chứng nhận nhiễm chất độc màu da cam, mẹ bị cáo già yếu và bệnh, con còn nhỏ. Bị cáo không hiểu rõ pháp luật nên sai phạm, kính mong HĐXX cho bị cáo có cơ hội cải tạo, trở về với gia đình.

Ngày 23/1, phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 bị cáo khác phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại các ngân hàng: VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV tiếp tục với phần tranh luận.

Đáng chú ý, trong phiên toà này, thuộc cấp đã lên tiếng "bênh" bị cáo Phạm Công Danh.

Diễn biến phiên toà trên báo Dân Việt cho biết, trong phần tự bào chữa, bị cáo Mai Hữu Khương, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn đã đưa ra câu hỏi: "Bị cáo Phạm Công Danh được gì từ khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn?". 

Bị cáo Khương chia sẻ, khi đó, ngân hàng âm 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đang nợ 22.000 tỷ đồng nên bị cáo Danh phải dùng tất cả nguồn lực của mình để duy trì hoạt động VNCB.

Bị cáo Khương nêu, tại thời điểm đó, Ngân hàng Đại Tín không thể huy động được vốn nên Phạm Công Danh đứng ra huy động và ôm khoản nợ 22.000 tỷ đồng. Cũng theo bị cáo này, sau khi nhận nợ bị kiểm soát đặc biệt, không cho tăng trưởng tín dụng, hàng năm ngân hàng phải trả lãi hơn 2.000 tỷ đồng.

Về khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, khi Ngân hàng Nhà nước buộc tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, số tiền này do 22 cổ đông đóng góp nhưng bị cáo Khương cho biết, thực chất tiền đó là của Phạm Công Danh.

Thời điểm năm 2013, VNCB đã âm vốn nên ông Danh dùng giấy đất cầm cố nhằm tăng vốn điều lệ giữ ngân hàng. Nguồn tin dẫn lời bị cáo Khương tại toà: "Con số mà CBBank nêu ra là gộp chung, cần tách bạch mới rõ ràng được. 

Huy động vốn dân 9%, cho vay 14%, vì vậy việc ông Danh làm là có lợi cho VNCB. Nay CBBank cho rằng đã dùng hết là sai, không đúng. Tổng số tiền phải chăm sóc trên 4.000 tỷ (trả Dr.Thanh 2.760 tỷ, trả bà Phấn trên 3.000 tỷ). Ông Danh đã bỏ tiền của mình trên 20.000 tỷ để duy trì VNCB nhưng không được vì nhiều nguyên nhân, mong HĐXX xem xét bối cảnh".

Trước đó, bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB cho rằng, trong giai đoạn 1 hay giai đoạn 2, bị cáo thấy có nhiều điểm không phù hợp trong số liệu.

Thứ nhất là số liệu về tài chính của ngân hàng CB (trước đây là VNCB) do ngân hàng đưa ra. Bản thân bị cáo không hiểu số liệu về khoản âm vốn điều lệ của VNCB vì theo con số cuối cùng bị cáo biết có sự khác biệt lớn. Còn nhiều khoản treo từ thời của Mai lại không thấy trong số liệu…

Ngoài ra, với số tiền gửi trên thị trường giai đoạn 2, Mai cho rằng, số liệu khác với số liệu bị cáo được biết trước đó, đồng thời cho rằng không biết vì sao vốn điều lệ lại âm nhanh như vậy.

Trong phiên toà cùng ngày, các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án đã trình bày phần bào chữa. Nhiều luật sư nêu ra các tình tiết xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN