Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:28
RSS

Xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, người dân hiểu thế nào cho đúng?

Thứ sáu, 04/03/2022, 15:23 (GMT+7)

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội - đã phân tích cụ thể về việc tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Sự kiện:
Covid-19

Bệnh đặc hữu là gì?

Ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022, phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; dự thảo chương trình phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn năm 2022-2023...

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, người dân hiểu thế nào cho đúng

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trước vấn đề này, nhiều người thắc mắc bệnh đặc hữu là gì? Khi đã xem là bệnh đặc hữu sẽ ứng phó với dịch bệnh ra sao? Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay chúng ta đang xem dịch SARS-CoV-2 bệnh dịch truyền nhiễm nhóm A. Với việc này thì toàn bộ hệ thống phải tham gia vào chống dịch, không đơn thuần riêng ngành y tế. Các cơ chế chính sách, quy định đều phụ thuộc vào tình hình dịch khi quy định vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

"Đối với nhóm A, việc khám chữa bệnh hoàn toàn Nhà nước phải chi trả, người dân chữa bệnh không mất tiền. Đã đến lúc chúng ta không nên xem Covid-19 là đại dịch nữa mà xem như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm. Đơn giản được hiểu như Covid-19 là bệnh đặc hữu", ông Hải chia sẻ.

Xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, người dân hiểu thế nào cho đúng

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân F0 nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Hải, bản chất của virus SARS-CoV-2 dần dần sẽ trở thành bệnh truyền nhiễm chuyên khoa thông thường, quy mô không bao trùm như đại dịch nữa. Theo đó, số người bị, sự lây nhiễm nhanh, số người tử vong, ảnh hưởng hệ thống y tế giảm đi, không còn như khi dịch mới bùng phát. Lúc này quan tâm đến cá thể hoá, quan tâm đến chẩn đoán điều trị trong bệnh viện nhiều hơn trong cộng đồng. Trong bệnh viện tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm tái biến, biến chứng tử vong.

"Khi đã xem Covid-19 như bệnh lý chuyên khoa thì chẩn đoán, điều trị, thể bệnh cụ thể ra sao sẽ chuyên sâu hơn, có thể trong giai đoạn cấp, biến chứng, tác động về sau. Đối với từng cá thể bệnh sẽ có từng nhà khoa học nghiên cứu.

Xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, người dân hiểu thế nào cho đúng

Nhân viên y tế hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Covid-19 như một lĩnh vực nhỏ của ngành bệnh lý truyền nhiễm vừa để đào tạo, nghiên cứu, thực hành chuyên sâu. Nếu xem Covid-19 là bệnh thông thường sẽ gây tâm lý chủ quan nhưng nếu là bệnh truyền nhiễm gây ra sự kinh sợ. Nói tóm lại có thể hiểu đây là một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm", ông Hải phân tích.

Ông Hải cho rằng, tiến tới sẽ thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu và cũng cần như vậy nếu không ngân sách Nhà nước cũng không chạy theo kịp nếu cứ tiếp tục như thế này. Cụ thể việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Như thế, Nhà nước sẽ có đủ năng lực để làm tốt nhất, chuyên sâu nhất. Để trông chờ vào ngân sách Nhà nước sẽ rất khó khăn. Hiện tại tất cả hệ thống chính trị, xã hội, khoa học, y tế… vào cuộc để cùng tham gia.

Xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, người dân hiểu thế nào cho đúng

Xe cứu thương chở bệnh nhân Covid-19 nặng cấp cứu. Ảnh: Gia Khiêm

"Giống câu chuyện Covid-19, ban đầu chưa có vaccine ngừa Covid-19 nguy cơ chuyển nặng, tử vong cao. Nhờ có vaccine cơ thể tạo ra hệ miễn dịch đa phần mọi người nhiễm bị nhẹ, ít nặng và tỉ lệ tử vong thấp. Nếu xem Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm thành nhỏ hẹp, chúng ta tiếp tục các biện pháp, tham gia sản xuất.

Khi nào có triệu chứng làm xét nghiệm, có chẩn đoán vào bệnh viện, sẽ có bác sĩ chuyên khoa chữa trị một cách chuyên sâu nhất, lúc đó phải có sự tham gia chi trả của Bảo hiểm y tế, tự nguyện, các nguồn khác nhau thì vì chỉ có ngân sách Nhà nước, cơ chế chống dịch như hiện nay… như thế sẽ vận hành tốt hơn, bệnh viện sẽ cởi mở hơn", ông Hải chia sẻ.

Xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, việc ứng phó với dịch sẽ ra sao?

PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho hay, Covid-19 hiện len lỏi khắp nơi, là thể tương đối chấp nhận được, không phải quá nặng, có người kèm theo bệnh nền. Do vậy việc chữa bệnh lý nền đang là vấn đề rất quan trọng. Có người bị Covid-19 chưa nặng lên nhưng bệnh lý nền đã nặng.

Các bệnh nhân chuyên khoa khác nhau bị Covid-19 lại phải chuyển đi bệnh viện Covid-19 điều trị. Ông cho rằng như vậy sẽ giảm chất lượng chăm sóc, bệnh nền sẽ không được chẩn đoán, điều trị tốt, có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn câu chuyện tổn thương do Covid-19 gây ra.

Xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, người dân hiểu thế nào cho đúng

Bác sĩ hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trước thắc mắc khi đã xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, việc ứng phó với nó ra sao? Ông Hải cho rằng, chúng ta nên xem trên thế giới những quốc gia văn minh, có điều kiện về mọi mặt cũng đã xem Covid-19 như bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm.

"Câu chuyện họ cũng đã bỏ mọi điều ứng xử với đại dịch nhóm A từ khá lâu. Họ chung sống với nó, các bệnh viện hầu hết có những khu vực điều trị, họ vẫn sản xuất, hoạt động bình thường. Tại Việt Nam cũng sẽ dần đi theo cách như vậy mới đạt được. Để được như vậy, vaccine chúng ta cũng đã được tiêm, Việt Nam cũng là một trong số quốc gia có tỉ lệ tiêm cao nhất thế giới. Số lượng F0 bị nhiễm hiện đã nhiều nhưng vào trong viện không phải quá nhiều, số ca nặng và tử vong không đột biến tăng lên, câu chuyện đó làm cho chúng ta yên tâm một phần", ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh không "thả cửa" để cho ai cũng đều bị nhiễm hết. Nếu tất cả mọi người nhiễm Covid-19 cùng lúc sẽ để lại gánh nặng khi số ca nặng cao, làm "vỡ" hệ thống điều trị tại bệnh viện, tạo sự lo lắng không cần thiết. Nếu được sẽ giảm dần, đỉnh dịch sẽ giảm xuống khi đó có sự điều tiết hài hoà hơn, hệ thống y tế đáp ứng kịp.

"Vì vậy thái độ của chúng ta vẫn thực hiện 5K, tốt nhất không nhiễm. Nếu không may bị nhiễm thì nhiễm chậm, giãn ra để tất cả cùng thích nghi. Gia đình thích nghi được thì xã hội cũng sẽ thích nghi được", ông Hải thông tin thêm.

Gia Khiêm
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại