Mới đây, clip do tài khoản Trần Nghị quay lại cảnh làm cỗ cưới ở quê được chia sẻ trên một diễn đàn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cư dân mạng. Kèm theo clip là lời chia sẻ: “Nhớ lắm những ngày đậm đà tình làng nghĩa xóm cùng làm cỗ cưới ở quê nhà Nam Định”.
Khi xem clip này, hàng loạt dân mạng đã để lại những bình luận thể hiện nỗi nhớ quê hương, nhớ không khí của những đám cưới rất rộn ràng mà ấm áp tình làng xóm: “Lâu không được ăn cỗ quê rồi. Nhớ quê quá đi thôi”, “Đi đâu thì đi cũng không bằng quê mình”…
Đúng vậy, có một điều không thể phủ nhận rằng, đám cưới ở quê vẫn là vui nhất, ăn cỗ cưới quê dù không phải những món ngon vật lạ những vẫn là tuyệt vời nhất.
Đám cưới là việc sự kiện quan trọng của hai bên họ hàng và cặp đôi uyên ương, trăm năm chỉ có một lần nên nhà ai cũng tổ chức hết sức long trọng. Đám cưới ở quê có những nét riêng đặc sắc mà không gì sánh nổi. Nhiều người đi xa vẫn nhớ về những bữa cỗ quê bởi cái không khí vui tươi rộn ràng, người tay chặt, người tay đảo nấu nướng cùng nhau.
Cỗ đám cưới miền Bắc như ở Nam Định thường được tổ chức trong 2 ngày, ngày dựng rạp và ngày cưới, thế nhưng có không khí nhất vẫn là ngày dựng rạp. Cỗ cưới sẽ giết lợn rồi anh em, bạn bè, hàng xóm làng trên xóm dưới xúm đông xúm đỏ làm cỗ với không khí vô cùng rộn ràng.
Mà điều kỳ lạ là cỗ miền Bắc toàn đàn ông vào bếp, đàn bà chỉ bên ngoài nhặt nhạnh chút rau dưa, lau cái đũa cái bát hoặc sơ chế nguyên liệu nấu các món. Điều dễ hiểu lý giải cho điều này là, cỗ bàn toàn những nồi to chảo lớn, để xào nấu được cũng phải cần đôi cánh tay lực lưỡng thì mới đảm đương được còn cánh phụ nữ chân yếu tay mềm thì quả thật là quá sức.
Trong một sân nhà chỉ dành cho việc làm cỗ bàn, mọi người “tụm năm, tụm ba” phụ trách những phần việc riêng: Chỗ này các bác, các chú gói giò, làm chả lụa; chỗ kia các anh chặt và xếp những đĩa thịt gà da vàng óng ả; góc sân giếng các chị đang nhặt rau, gọt củ; góc bếp các bà đang nấu trông nồi cơm nghi ngút khói…
Cỗ cưới mỗi gia đình có từ vài chục đến trăm mâm. Để tiếp đãi quan khách, gia chủ thường phải nấu cỗ suốt đêm và luôn tay sắp chỗ. Ngoài nhà riêng, họ thường phải mượn những nhà hàng xóm lân cận, thậm chí là cả một khu sân chơi của làng để làm nơi bày cỗ ăn cưới.
Thời gian trôi qua, cỗ cưới quê có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng cao của con người nhưng chắc chắn nó vẫn cứ là nét đẹp văn hóa, tượng trưng cho tấm lòng của gia chủ muốn tiếp đãi những vị khách đến chung vui với tiệc hỉ của gia đình. Vì vậy, phần cỗ bàn vẫn luôn được chuẩn bị với tất cả sự cầu kỳ và cẩn thận nhất có thể.