Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính từ đợt dịch thứ 4 này, tỉnh Bình Dương ghi nhận 200.196 ca mắc covid-19 Cụ thể, trong đó: 9.507 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 25.968 ca bệnh phát hiện trong Khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 126.682 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 37.958 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa). Cũng trong đợt dịch này, Bình Dương có 1.891 ca tử vong và gần 170.000 bệnh nhân xuất viện về nhà.
Hiện, Bình Dương đang có 1.276 khu vực phong tỏa, gồm: Thuận An: 247; Phú Giáo: 12, Bàu Bàng: 20; Dĩ An: 585; Dầu Tiếng: 7; Bến Cát: 211; Tân Uyên: 102, Bắc Tân Uyên 0; Thủ Dầu Một: 92, với 116.898 người trong khu vực phong tỏa. Bình Dương có 5.285 F1 và 4.100 F0 cách ly tại nhà.
Bắt đầu từ 26/9, Bình Dương áp dụng quét mã QR đối với người dân lưu thông, ra vào các điểm công cộng, nơi tập trung đông người, các địa điểm sản xuất kinh doanh làm việc, giải trí
Tập huấn cho Tổ COVID-19 ở các khu nhà trọ tại Bình Dương. Ảnh Tiền Phong
Bên cạnh đó, để khôi phục lại hoạt động trở về trạng thái bình thường mới trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp buộc Bình Dương phải ra điều kiện đối với các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn. Mô hình hoạt động của doanh nghiệp “3 xanh” được xem là phương pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh xuyên suốt.
Một trong những lý do khiến địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 là môi trường sống với không gian hẹp của công nhân. Ca mắc ghi nhận nhiều ở các khu nhà trọ. Đặc điểm các khu nhà trọ công nhân diện tích nhỏ, đông người nên dễ lây nhiễm chéo. Một khu trọ nhưng có người ở trọ làm nhiều công ty khác nhau nên khó kiểm soát dịch bệnh.
Đó cũng là lý do buộc Bình Dương phải áp dụng mô hình “3 xanh” đối với các doanh nghiệp tái hoạt động khi trở về trạng thái bình thường mới. Với mô hình này, ngoài các điều kiện để đảm bảo “nhà máy xanh”, điều kiện “nhà trọ xanh” được đặc biệt quan tâm, bởi đây là nơi ở của công nhân, nguy cơ lây nhiễm cao.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện này, chúng ta buộc phải sống chung với dịch Covid-19. Do đó, các địa phương đang thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ mỗi xã phường, mỗi khu phố, mỗi khu nhà trọ, mỗi doanh nghiệp phải là 1 pháo đài, mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ. Mô hình “nhà trọ xanh” là một trong những giải pháp hữu hiệu để sống chung với dịch Covid-19
Lực lượng chức năng tuyên truyền cho người ở trọ chấp hành tốt phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh Tiền Phong
Ngành chức năng Bình Dương đã và đang thiết lập mỗi khu nhà trọ trở thành một pháo đài chống dịch, nhà trọ phải là nơi cách ly, điều trị tốt nhất cho người ở trọ. Theo đó, mỗi khu nhà trọ phải thành lập 1 Tổ Covid-19 có ít nhất từ 3 đến 5 thành viên, phải bố trí 1 - 2 phòng trống để cách ly, điều trị các trường hợp nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, chủ nhà trọ hoặc đơn vị phối hợp phải hợp đồng với Trạm y tế lưu động tư nhân để hỗ trợ, chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngành chức năng Bình Dương đang triển khai tập huấn cho các thành viên được chọn ở các khu nhà trọ và tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh tiến hành tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận để thực hiện xuyên suốt.
Nội dung tập huấn bao gồm: kỹ năng mặc đồ bảo hộ, kỹ năng lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn tâm lý các F0, việc sử dụng thuốc điều trị, các phương pháp vệ sinh mũi, họng... Sau tập huấn, nhiều thành viên Tổ Covid-19 tại các khu trọ sẽ tự tin lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại khu trọ mình sinh sống.