Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:27
RSS

Vụ VN Pharma: Yêu cầu củng cố chứng cứ H-Capita là thuốc giả

Thứ hai, 30/10/2017, 12:22 (GMT+7)

Liên quan đến việc xét xử phúc thẩm vụ VN Pharma, TAND Cấp cao TP.HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề trong đó có việc củng cố chứng cứ làm rõ H-Capita là thuốc giả.

Vụ VN Pharma yêu cầu củng cố chứng cứ H-Capita là thuốc giả
TAND TP.HCM y
êu cầu củng cố chứng cứ H-Capita là thuốc giả. Ảnh VNE

Sáng 30/10, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ 9.300 hộp thuốc H-Capita của VN Pharma. Bản án phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VKS). Đặc biệt, bản án phúc phẩm đề nghị cơ quan điều tra củng cố chứng cứ để làm rõ H-Capita là thuốc giả.

Theo nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm, đây là một vụ án lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa phản ánh đúng mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như tính chất vụ án; có dấu hiệu lọt người, lọt hành vi phạm tội, không phản ánh đúng tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm, theo báo pháp luật Việt Nam  

Dựa vào hồ sơ vụ án cho thấy thuốc không rõ nguồn gốc, các bị cáo cũng khai không biết thuốc nguồn gốc từ đâu. HĐXX nhận định, dựa vào các quy định, định nghĩa về hàng giả khác, cho thấy nghi vấn "thuốc H-Capita là thuốc giả" là có cơ sở, trong khi đó, kết luận giám định chỉ nêu "thuốc không được sử dụng cho người". Vì vậy, cấp sơ thẩm xử tội "buôn lậu" cho các bị cáo là chưa phù hợp.

Nhưng để xác định tội danh một cách đầy đủ với chứng cứ, lập luận vững chắc hơn, cần trưng cầu giám định lại lô hàng, vì Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm, là đối tượng cần xem xét trong vụ án này, nhưng lại tham gia giám định tư pháp lô hàng do chính mình cấp phép…

HĐXX cấp phúc thẩm nhận định kháng nghị của VKS đề nghị xem xét các bị cáo đã có dấu hiệu phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” là có cơ sở. 

Tòa xác định, Hùng với vai trò Chủ tịch, kiêm tổng giám đốc VN Pharma, từ năm 2012 đã đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty thương mại hàng hải quốc tế H&C) mua thuốc H-Capita. Người này đặt Raymundo, lấy thuốc của Công ty Helix Canada cung cấp cho Hùng, báo Vnexpress đưa tin.

Các bị cáo đã làm giả hàng loạt giấy tờ chứng nhận, hóa đơn thanh toán… hợp pháp hóa lãnh sự để xin cấp phép. Trên cơ sở kiểm tra thực tế lô hàng, cơ quan điều tra xác định nhiều hộp thuốc có hai tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có tờ hướng dẫn sử dụng nào, thành phần tá dược, màu sắc không đúng với thông tin đã đăng ký trên hồ sơ cấp phép. Đây là cơ sở xác định thuốc H-Capita được nhập vào Việt Nam không rõ nguồn gốc.

"Hành vi của các bị cáo có dấu hiệu phạm tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Cấp sơ thẩm xử tội Buôn lậu và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức là chưa phản ánh đúng bản chất, toàn diện vụ án. Kháng nghị của VKS về nội dung này là có cơ sở", bản án nêu.

Để nhập lô thuốc H-Capita Hùng đã chỉ đạo Bùi Ngọc Duy (Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc và làm giả một loạt các giấy tờ, đóng dấu Công ty Helix Canada. Cơ quan điều tra đã xác định con dấu này là giả.

Cường bàn bạc với Hùng, đồng thời chỉ đạo các nhân viên nâng khống giá thuốc trong hóa đơn thanh toán để VN Pharma làm thủ tục hải quan nhập lô thuốc.

"Hành vi này của Hùng và đồng phạm đã thỏa mãn các dấu hiệu tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Việc cấp sơ thẩm không xử các bị cáo Hùng, Cường, Duy… về tội làm giả là bỏ lọt tội", tòa nêu.

"Trong vụ án này, các bị cáo nhập khẩu thuốc không rõ nguồn gốc là tắc trách, thiếu sót của cán bộ Cục quản lý Dược. Việc này không chỉ thể hiện trong cấp phép nhập khẩu lô hàng H-Capita, mà trước đó Cục quản lý Dược còn cấp phép cho VN Pharma nhiều loại thuốc khác. Khi khởi tố vụ VN Phrama Cục quản lý Dược mới phát hiện và rút giấy phép", bản án nhận định.

Hồi tháng 8, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Hùng, Cường mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu; 7 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) tới 5 năm tù về tội Buôn lậu hoặc Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.

Sau phiên xử sơ thẩm, nhiều ý kiến cho rằng tội danh mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo là chưa đúng, mức án còn quá nhẹ. Sau khi rút hồ sơ vụ án nghiên cứu, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã kháng nghị hủy toàn bộ bản án điều tra xét xử lại.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN