Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:20
RSS

Vụ sản phụ chết sau khi uống rượu gừng: Sai lầm khiến gừng trở thành độc tố

Thứ sáu, 01/02/2019, 08:17 (GMT+7)

Theo bác sĩ sản khoa, phụ nữ sau sinh tuyệt đối không uống rượu ngâm gừng để tránh gây họa cho bản thân và con.

Vụ sản phụ chết sau khi uống rượu gừng: Sai lầm dễ khiến gừng trở thành độc tố
Một sản phụ đã tử vong sau 2 tháng uống rượu ngâm gừng

Uống rượu gừng sau sinh

Mới đây, trường hợp một sản phụ 26 tuổi, quê TP.HCM tử vong vì suy gan nặng sau 2 tháng trời uống rượu ngâm gừng để giữ ấm cơ thể khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Nhiều ý kiến cho rằng sản phụ này sai lầm trong chỉ định, rằng rượu ngâm gừng vẫn có thể sử dụng hậu sản nhưng chỉ dùng để xoa bóp.

Trả lời Trí thức trẻ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết về nguyên tắc, phụ nữ sau sinh tuyệt đối không được uống rượu để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và cả đứa con mới sinh, vì đang trong thời gian cho con bú.

Kể cả dùng để thoa cũng không hiệu quả, vì rượu thấm qua da sẽ không tốt cho sản phụ. Thay vào đó chỉ nên dùng gừng tươi, giã ra và đánh trực tiếp lên da. Cách này giúp tử cung sản phụ giãn ra, êm và có cảm giác giảm đau bụng vì đặc tính nóng của gừng. 

Theo các chuyên gia đông y, gừng có thể giúp các mẹ bầu cải thiện triệu chứng buồn nôn do ốm nghén. Nhưng với phụ nữ mang thai trong nửa cuối của thai kỳ nên hạn chế dùng vì nó có thể làm tăng huyết áp gây nguy hiểm cho thai phụ. Và trong thời kỳ cho con bú cũng không nên ăn gừng vì nó có thể được bài tiết vào sữa mẹ gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em.

Gọt vỏ khi sử dụng

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vỏ gừng đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy dược tính của loại củ này. Do đó, hành động gọt vỏ gừng là hoàn toàn dư thừa, thậm chí làm mất đi tác dụng vốn có của gừng.

Thay vì gọt, cạo vỏ, mọi người nên rửa sạch gừng khi sử dụng bằng nước sạch vẫn giữ nguyên vỏ để giữ được trọn vẹn công dụng của gừng.

Vụ sản phụ chết sau khi uống rượu gừng: Sai lầm dễ khiến gừng trở thành độc tố
Gừng không thích hợp với những người mắc bệnh dạ dày và một số căn bệnh về đường tiêu hóa

Sử dụng gừng vào buổi tối

Dân gian có câu “Ăn gừng buổi sáng tốt như nhân sâm. Ăn gừng buổi tối độc như thạch tín”. Lý gải về điều này trên báo Phụ nữ TP. HCM, Tiến sĩ bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Đào tạo Nghiên cứu, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM cho hay  gừng có tính nóng nên nếu uống vào buổi sáng sẽ rất tốt, nhất là người có cơ địa lạnh (thường cảm giác lạnh, chịu lạnh kém). Ngược lại, sử dụng gừng vào buổi tối sẽ gây khó ngủ, nhất là người có cơ địa nóng lại càng mất ngủ.

Ăn gừng bị hỏng, thối

Ăn gừng bị biến chất, hư thối chứa hàm lượng độc tố gây nguy hại cho cơ thể, thậm chí trở thành tác nhân phát sinh ung thư gan và ung thư thực quản ở người.

Ngoài ra, khi dùng gừng cần tránh dùng gừng với aspirin và coumarin (phải cách xa 4 giờ); Không dùng gừng cho người chuẩn bị mổ và sau mổ, người đang chảy máu như băng huyết, ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu, tiêu ra máu, trĩ ra máu, chảy máu cam, chảy máu răng; Không dùng gừng cho người bị cảm nắng, vã mồ hôi, sốt cao không rét; Không dùng gừng liều cao, nhiều ngày cho người tiểu đường, bệnh tim, phụ nữ có thai.

Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Trong hầu hết các thang thuốc Đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống.

Ngoài ra, theo Tây y gừng có chứa nhiều hợp chất chống viêm và chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe như Gingerols, Beta-carotene, Capsaicin, Axit Caffeic, chất Curcumin và Salicylate.

Dù có công dụng tuyệt vời nhưng việc sử dụng gừng không phải ai cũng biết và sử dụng đúng cách.

 

Diệp Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN