Thứ ba, 19/03/2024 | 15:19
RSS

Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính của 'Lão phật gia' bí ẩn

Thứ hai, 14/10/2019, 19:11 (GMT+7)

Chiều nay 14/10, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Hà Giang, đã khai chi tiết về nhân vật có biệt danh "Lão phật gia".

Theo Tiền Phong, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang chiều nay 14/10, HĐXX tiến hành cách ly đối với 2 bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) và bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), để tiến hành xét hỏi.

HĐXX tiến hành hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), bị cáo Hoài không có ý kiến gì về bản cáo trạng của VKS. Sau nhiều câu hỏi của HĐXX, Hoài khẳng định việc nâng điểm không vì vụ lợi, tất cả đều vì tình cảm, quan hệ cuộc sống, Hoài cũng không đưa vật chất và hứa hẹn bất kỳ điều gì với Lương.

HĐXX hỏi trong quá trình điều tra, có thu được 1 mẩu giấy có ghi "Lão phật gia nhờ", về chi tiết này, bị cáo Hoài cho biết nhân vật này không liên quan đến kỳ thi TPHT năm 2018.

"Lão phật gia là bà Tống Thị Bê, Chủ tịch công đoàn Sở GD-ĐT Hà Giang đã nghỉ hưu từ năm 2012. Mẩu giấy này có từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do "Lão phật gia" nhờ xem điểm, không phải là trong kỳ thi TPHT năm 2018" - bị cáo Hoài khai.

Lý giải thêm về lời khai của mình, bị cáo Hoài cho rằng trước đây trong phòng Khảo thí, nhiều anh em trong phòng biết đến tên gọi này. Dựa trên mã số báo danh mà nhân vật này ghi trong mẩu giấy có chi tiết "Lão phật gia nhờ", mã số báo danh được ghi trong giấy không phải là mã số báo danh tại kỳ thi TPHT năm 2018.

Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính thực của 'Lão phật gia' bí ẩn
Bị cáo Hoài đến tòa ngày 14/10. Ảnh: Zing

Bị cáo Lương cũng khai bị cáo Hoài là người khởi xướng cho hành động nâng điểm. Cụ thể, khoảng đầu tháng 5/2018, bị cáo Hoài gọi bị cáo Lương sang phòng làm việc để báo cần xử lý nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt. Biết phần mềm chấm thi của Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu file Excel nên bị cáo Lương lập tức đồng ý.

Tháng 6/2018, Nguyễn Thanh Hoài đã 3 lần nhắn tin, gửi e-mail và danh sách qua giấy A4 thông tin 93 thí sinh cần sửa điểm đã được bôi vàng để nhận diện.

Bị cáo Lương còn khai ngoài danh sách Nguyễn Thanh Hoài đưa, Lương còn được bạn bè, người quen nhờ nâng điểm cho 14 thí sinh.

Những người nhờ bị cáo này gồm: chị Hoàng Thị Hồng Nhẫn, cán bộ công an tỉnh nhờ cho con chị Nhẫn; anh Bùi Văn Thuyết (công ty in Hà Giang) nhờ cho cháu; anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Trường THPT Vị Xuyên) nhờ 1 thí sinh; anh Nguyễn Thanh Cảnh (Hiệu phó Trường THCS và THPT Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) nhờ 1 thí sinh; anh Trần Bách Tùng (Trường THPT huyện Mèo Vạc) nhờ 2 thí sinh; anh Trần Duy Ninh (Trường THPT Việt Lâm) nhờ 5 thí sinh; chị Tống Thị Phương (cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đã nghỉ hưu) nhờ 1 thí sinh; anh Tống Văn Lợi (giáo viên Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh) nhờ 1 thí sinh.

Bị cáo Lương còn tự nguyện nâng điểm cho con anh Tống Văn Lợi. “Họ nhờ bị cáo nâng điểm cho con, cháu của họ, không có thỏa thuận lợi ích vật chất gì, cũng không hứa hẹn nâng đỡ bị cáo trong công tác, công việc”, bị cáo Lương nói trước tòa.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN