Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:33
RSS

Vụ container tông Innova trên cao tốc: Tranh luận gay gắt về biển 'Đi chậm'

Thứ sáu, 14/02/2020, 13:54 (GMT+7)

"Biển cảnh báo “Đi chậm” chỉ có hiệu lực đối với phương tiện rời khỏi làn cao tốc để rẽ phải vào Yên Bình, không có hiệu lực đối với phương tiện đi thẳng trên làn cao tốc như xe của bị cáo Hoàng", luật sư Thanh nói.

Bị cáo Hoàng vẫn nói mình vô tội

Ngày 14/2, TAND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) tiếp tục phiên xét xử sở thẩm vụ án container tông Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Bị cáo Ngỗ Văn Sơn (tài xế Innova) và Lê Ngọc Hoàng (tài xế container) cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 3 điều 202 BLHS năm 1999.

Sau khi đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo, đại diện VKSND đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova) 10-11 năm tù, Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container) 4-5 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, viện kiểm sát đề nghị buộc 2 bị cáo phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng. Trong đó, Ngô Văn Sơn phải bồi thường 2/3 số tiền (tương đương trên 1,1 tỉ). Lê Ngọc Hoàng phải khắc phục nốt 1/3 khoản tiền còn lại...

So với những phiên toà trước, ở phiên xét xử lần này, bị cáo Hoàng bình tĩnh tranh luận, cũng như trả lời rõ ràng trước HĐXX. Trong phần tự tranh luận, bị cáo Hoàng không đồng ý với cáo trạng của VKS, cáo trạng của VKS cáo buộc bị cáo có lỗi trong vụ án này.

Trình bày trước HĐXX, bị cáo Hoàng nói, việc cơ quan điều tra cho thực nghiệm lại hiện trường bị cáo rất ủng hộ việc làm này. Tuy nhiên, người lái xe đầu kéo thực nghiệm vụ án này không phải bị cáo. Bị cáo xin được khẳng định, tất cả những người có mặt trong buổi hiện trường ngày hôm ấy không ai có thể thay thế được bị cáo để chỉ ra vụ tai nạn được. 


Bị cáo Hoàng tự tranh luận trước HĐXX

Bị cáo Hoàng cũng nói, khi nhìn thấy chiếc xe Innova là đang ở giáp làn tôn sóng và lùi chéo, bị cáo đã viết 2 lá đơn không đồng ý với kết luận điều tra kính mong HĐXX xem xét. 

VKS truy tố bị cáo lỗi không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật, biển cảnh báo đi chậm này là biển cảnh báo đặt ở ngoài lan can hộ tôn sóng đặt trên nút giao Yên Bình - Phổ Yên, còn đây xe của bị cáo là xe đi thẳng đang đi trên làn đường xe ưu tiên. Bị cáo có quyền được điều khiển xe từ 60km/h -100km/h, kể cả có biển báo tốc độ này bị cáo có đi 99km/h vẫn không vi phạm tốc độ. 

Còn xe của bị cáo mất tín hiệu 53 giây,... VKS căn cứ vào đâu cho rằng khoảng thời gian xe của bị cáo mất tín hiệu xe bị cáo không giảm tốc độ. Chiếc xe Inova không cùng với làn đường của xe bị cáo mà ở giáp làn tôn sóng, chiếc xe này chỉ lùi chéo ra làn đường của bị cáo khi bị cáo đạp chết phanh xe.

Hiện VKS và bản kết luận điều tra đang cố chứng minh lỗi về đèn nhấp nháy của xe Innova, bị cáo cho rằng, cái đèn này chỉ có tác dụng xi nhan rẽ trái, rẽ phải chứ không có tác dụng ra đường cao tốc để lùi xe. Khi người lái xe gặp sự cố phải có cảnh báo nguy hiểm ở giữa làn đường. Còn trong trường hợp khẩn cấp như trên, tài xế phải bê đá, lấy cành cây để chắn ở đường chứ không phải bật xi nhan để lùi xe...


VKS đối đáp lại tranh luận của bị cáo Hoàng

Đối đáp với bị cáo Hoàng, ông Vũ Xuân Hữu - kiểm soát viên (VKSND thị xã Phổ Yên) giữ quyền công tố tại phiên toà lý giải quá trình thực nghiệm hiện trường bị cáo không có mặt là do trong quá trình điều tra, bị cáo Hoàng không khai báo hành vi của mình vào ngày 19/11/2016 nên cơ quan điều tra không mời đến,

"Chúng tôi mời luật sư đến thực nghiệm... luât sư của bị cáo Hoàng cũng thừa nhận chỉ thực nghiệm tầm quan sát của tài xế xe đầu kéo. Nội dung bị cáo Hoàng đưa ra ngày hôm nay chúng tôi đã trả lời bằng văn bản cho các luật sư của bị cáo Hoàng. Lời khai của bị cáo thay đổi liên tục. Những căn cứ của VKS truy tố bị cáo là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật", vị này cho biết.

Bi cáo Hoàng phân tích 1 số lỗi kỹ thuật xe, chiều dài xe, chiều rộng, cao của xe thể hiện rất rõ trong bút lục. Bị cáo nói về chiều dài, rộng của xe là sai hoàn toàn. Lời khai của bị cáo từ lời khai ban đầu đến các phiên toà thay đổi liên tục, không có lời khai nào thống nhất. Do đó, chúng ta căn cứ vào lời khai của bị cáo là không có cơ sở.

Căn cứ vào chứng cứ, bị cáo khai bị cáo phanh xe khoảng cách là 50m, khi phanh chết là phải có vết trượt lốp trên đường, đây là cảm tính. 

Ông Vũ Xuân Hữu tại phiên tòa.

Trong luật đã nói rõ, khi gặp tình huống bất ngờ xảy ra, bị cáo có đầy đủ khả năng để xử lý đảm bảo an toàn theo quy chuẩn 41. Luật giao thông đường bộ quy định rõ, tốc độ, biển báo đặt trên đường. Còn đối với lỗi số 6, số 7 khi đâm va thì xe đầu kéo đâm vào đuôi xe Inova nên đã đẩy xe Innova về phía trước.

Tại phiên xét xử, VKSND thị xã Phổ yên sử dụng công văn của Tổng cục đường bộ trả lời Công an thị xã Phổ Yên để làm căn cứ buộc tội Lê Ngọc Hoàng. Theo văn bản của Tổng cục đường bộ Việt Nam biển báo đi chậm cắm trên cao tốc có hiệu lực với tất cả các xe đi thẳng.

Quan điểm của luật sư

Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo cáo trạng, VKS quy kết bị cáo Hoàng gặp biển cảnh báo “Đi chậm” nhưng không giảm tốc độ tới mức 60km/h mà vẫn đi với tốc độ 62km/h.

Theo luật sư Thanh, quy kết này của VKS là trái với quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 91. Theo điều luật thì Hoàng phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép là 100km/h nếu gặp biển cảnh báo nguy hiểm. Hoàng đi với tốc độ 62km/h tức là đã thấp hơn tốc độ tối đa cho phép.

Hơn nữa biển cảnh báo “Đi chậm” chỉ có hiệu lực đối với phương tiện rời khỏi làn cao tốc để rẽ phải vào Yên Bình, không có hiệu lực đối với phương tiện đi thẳng trên làn cao tốc như xe của Hoàng. Điều này phù hợp với Công văn số 2884/CQLDDB1-ATGT ngày 29/11/2016 của Cục quản lý đường bộ 1.

Về hiệu lực của biển báo hiệu “Đi chậm”-W.245 tại Km40+600/QL.3 mới (Hà Nội – Thái Nguyên) có tác dụng với lối ra nút giao Yên Bình (phải giảm tốc độ khi ra khỏi QL.3 mới (Hà Nội – Thái Nguyên)”.

Toàn cảnh phiên xét xử

Nếu cho rằng biển cảnh báo “Đi chậm” này có hiệu lực đối với xe của Hoàng (tức là phương tiện đi thẳng trên làn cao tốc) thì quan điểm này rất mâu thuẫn với hiệu lực của biển “Giao nhau với đường không ưu tiên” đặt cách đó 53m. Cụ thể là các xe đi trên đường có đặt biển này được quyền ưu tiên qua nơi giao nhau, chỉ phải nhường đường cho các loại xe được quyền ưu tiên theo quy định. Vậy nếu đã là xe được quyền ưu tiên thì tại sao lại phải đi chậm?

Hơn nữa theo Quy chuẩn 41:2016/BGTVT, khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là từ 150 m đến 250 m (Ở nơi đoạn đường có tốc độ từ 50 km/h trở lên). Biển báo “Đi chậm” chỉ cách lối ra nút giao Yên Bình 95 m nên không phải là biển có hiệu lực đối với xe của Hoàng (tức là phương tiện đi thẳng trên làn cao tốc).

Đặc biệt tại Công văn số 343/TCĐBVN-ATGT ngày 17/01/2020 trả lời Văn phòng luật sư Giang Thanh, Tổng cục đường bộ Việt Nam giải thích về biển báo “Đi chậm”-W.245a cắm tại Km40+600(P) như sau:

Các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, khi rẽ phải để ra khỏi Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên phải bật đèn báo rẽ phải, giảm tốc độ, đồng thời đi vào làn tách. Các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên đi thẳng phải điều chỉnh giảm tốc độ đến mức an toàn, khi phát hiện phía trước có phương tiện khác bật đèn báo rẽ phải, giảm tốc độ”

Theo Công văn số 343/TCĐBVN-ATGT ngày 17/01/2020 thì xe của Hoàng chỉ phải giảm tốc độ khi phía trước có phương tiện khác bật đèn báo rẽ phải, giảm tốc độ.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN