Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:17
RSS

Vụ "cả nhà làm quan": Chỉ là tiếp nối truyền thống tốt đẹp cha ông để lại

Chủ nhật, 16/04/2017, 07:45 (GMT+7)

Bàn về chuyện "cả nhà làm quan", nhà giáo Tùng Sơn (Hải Dương) nhận định: Quan sát vấn đề này từ nhiều phía lại thấy đây là vấn đề bình thường và mang ý nghĩa tích cực.

Trong lịch sử nước ta, thời phong kiến, cha làm tướng, con làm tướng, cha làm quan, con cũng làm quan là hết sức bình thường. Nhiều người trong số ấy tài năng kiệt xuất được lưu danh sử sách.

Xa xưa, những trường hợp như Đức thánh Trần Hưng Đạo sinh Đức ông Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng thì kể không hết.

Ngày nay, ở lĩnh vực nghệ thuật, NSƯT Tự Lẫm sinh NSND Tự Long. Về mặt y học, GS Tôn Thất Tùng sinh GS Tôn Thất Bách.

Về chính trị, cụ Võ Phấn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi lại sinh ra ông Võ Đức Huy cũng từng là một Bí thư tỉnh ủy tài năng của Quảng Ngãi…

Mỹ có tổng thống Bush “bố” rồi lại có tổng thống Bush “con”. Thế mà xã hội chẳng ai dị nghị và nước Mỹ vẫn mạnh. 

Hổ phụ sinh hổ tử là bình thường.

Huyện Kim Thành (Hải Dương) - nơi xảy ra việc "cả nhà làm quan".

Khi không có sự tiếp nối truyền thống?

Sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta thành công là do sức mạnh của toàn dân tộc nhưng cũng là nhờ một phần rất quan trọng của những mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và những gia đình giàu truyền thống cách mạng.

Gia đình giàu truyền thống đã sản sinh ra những thế hệ và những con người bất khuất, kiên trung với Đảng, với nhân dân. Thế hệ trước hi sinh mà thế hệ sau không nao núng…

Khi cách mạng thành công, cha được Đảng giao trọng trách lãnh đạo địa phương. Cha dìu dắt con cháu, con cháu noi gương cha anh là phúc của gia đình và xã hội.

Đặt tình huống ngược lại. Nếu chỉ có cha đi hoạt động và tham gia chính quyền, khi đất nước được giải phóng, cả nước làm kinh tế, những người con không theo nghiệp cha ông về con đường chính trị mà chuyển sang lĩnh vực và nghề nghiệp khác thì sao?

Không những chính gia đình đó sẽ không tiếp nối được truyền thống mà nhà nước của chúng ta sẽ bị thiếu hụt vì khi lực lượng khác thay thế lực lượng truyền thống lãnh đạo các địa phương, sự trung thành với lí tưởng và nhân dân sẽ không thể cao như con cháu của các lão thành cách mạng.

Sự nghiệp CNH-HĐH đất nước ngày nay được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân nhưng cũng lại vấp phải sự chống phá của một số thế lực. 

Những gia đình giàu truyền thống cách mạng chính là lực lượng tiên phong trong đấu tranh tư tưởng và chính trị để bẻ gãy mọi luận điệu của các thế lực này.

Góc nhìn mới về "cả nhà làm quan"

Cần quan niệm việc tham gia chính quyền ngày nay cũng là hoạt động cách mạng chứ không phải để “làm quan”.

Phải nói vậy vì một thực tế rất buồn là cũng có một bộ phận trong xã hội coi việc phấn đấu vươn lên đảm nhiệm trọng trách lớn và vị trí lãnh đạo cao ở các địa phương là vì mục đích hưởng lợi lộc chứ không vì cống hiến. 

Nhất là những người ngoài cuộc, họ bình luận vị trí này, vị trí kia sẽ là ông nọ bà kia …

Thường thì những người hay bàn luận việc đó là những người thiếu tu chí, nhìn nhận một chiều. 

Những người chí thú làm ăn, say sưa chuyên môn nghiệp vụ hoặc ham mê chạy chợ kiếm tiền nuôi con thì chẳng thắc mắc, họ cứ nhiệt tình làm tốt công việc của mình và đóng góp đầy đủ việc làng, việc nước, việc chính quyền đã có nhà nước lo.

Nhìn ra các ngành nghề khác, rất nhiều nữ sinh muốn trở thành cô giáo như mẹ mình. Nhiều ông bố làm bác sĩ hướng con theo nghề. Các chiến sĩ công an rất nhiều người có con nối nghiệp…

Vậy thì các nhà cách mạng, các chính trị gia hà cớ gì mà không có sự định hướng cho con cái vào các cơ quan của Đảng và chính quyền mà mình đã dành cả cuộc đời đặt niềm tin và phấn đấu? Sự định hướng đó lại rất đúng đắn về mặt quan điểm và lý tưởng cách mạng.

Nói theo chân lý cuộc sống mà chúng ta đang thừa hưởng hôm nay, một gia đình có nhiều thế hệ đấu tranh cách mạng, con cháu của họ được đào tạo bài bản và có phẩm chất tốt, lý tưởng cách mạng đúng đắn, họ theo đuổi lí tưởng chính trị và giữ trọng trách lãnh đạo là một việc tích cực cho xã hội của chúng ta.

Tùng Sơn
Theo VietNamNet