Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:25
RSS

Vụ bé trai tử vong sau mổ lấy đinh nẹp xương tay sẽ xử lý thế nào?

Thứ hai, 20/07/2020, 15:43 (GMT+7)

Luật sự tư vấn phương án xử lý trên phương diện pháp lý vụ bé tử vong sau mổ lấy đinh nẹp xương tay.

Sự kiện:
TP.HCM

Vụ bé tử vong sau mổ lấy đinh nẹp xương xử lý thế nào?

Bé trai tử vong sau phẫu thuẫn lấy đinh nẹp. Ảnh: Vietnamnet

Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM đã thông tin đến chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước về việc bé Lữ Đoàn Phi Công (7 tuổi) tử vong sau gần 5 ngày nhập viện cấp cứu tại bệnh viện này.

Ngày 19/7, Công an tỉnh Bình Phước đã chính thức vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước tiến hành khám nghiệm tử thi cháu Công.

Trước đó, theo báo cáo nhanh của BVĐK tỉnh Bình Phước vào ngày 17/7, qua khám lâm sàng trước khi mổ cho thấy cháu Công tiếp xúc tốt, mạch rõ, tim đều, phổi trong, mạch 100 lần/phút. Sau đó, cháu Công được chuyển qua khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức để thực hiện phẫu thuật.

Đến 9 giờ 25 ngày 14/7, bệnh nhi được phẫu thuật lấy dụng cụ kết hợp xương cánh tay trái rồi chuyển xuống phòng hậu phẫu với sức khỏe ổn định. Khoảng 10 giờ 35 cùng ngày, bệnh nhi đột ngột diễn biến nặng, thở yếu, nhịp tim nhanh nhỏ; tiến hành hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, diễn tiến bệnh rất nặng.

Đến 19 giờ cùng ngày, BV đã thực hiện thủ tục chuyển lên BV Nhi đồng 2 điều trị. Chẩn đoán lúc chuyển viện: hôn mê, ngưng tim. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu được cháu bé.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho Dân Việt biết, đây là sự việc hết sức đau lòng, cần điều tra và xử lý nghiêm. Để biết rõ trách nhiệm thuộc về ai, phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có những nhầm lẫn, sai sót trong ca mổ này, vi phạm quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong; người có lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về khám chữa bệnh" được quy định tại Điều 315, Bộ Luật Hình sự 2015.

Theo Luật sư Cường, với hành vi có lỗi, lỗi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng đến người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể là tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, có thể là tội vô ý làm chết người, tùy thuộc vào hành vi cụ thể...

Tuy nhiên trường hợp gãy tay cũng ít khi tử vong, nếu mổ rút đinh mà tử vong, đó là chuyện bất thường. Có thể là nạn nhân sốc phản vệ, cũng có thể là nhầm lẫn trong việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ. Ngoài trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân có sai phạm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước còn phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Hai bên chủ động thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN