Thứ ba, 19/03/2024 | 14:32
RSS

Vụ bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình: Chia sẻ bất ngờ từ người hàng xóm

Thứ năm, 06/08/2020, 11:53 (GMT+7)

Một người hàng xóm của gia đình nơi xảy ra vụ bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình nói: "Nhiều lúc cháu bé la hét vì đau đớn, chúng tôi vẫn thấy bà ấy khóc. Bà nói 'Giá có thể mang bệnh, đau đớn thay cho cháu để nó lớn làm người'".

Trước đó, ngày 2/8, Cơ quan CSĐT, Công an thành phố Thái Bình đã bắt khẩn cấp đối với bà Chử Thị Mỹ Lệ (51 tuổi, trú tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình) để điều tra hành vi giết cháu nội là bé Lê Trần Dương M. Bà Lệ đang là Phó trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Bà Mỹ Lệ đã có hành vi bỏ thuốc độc vào sữa cho cháu nội bị bại não bẩm sinh mới một tuổi. Bà đã 2 lần cho cháu uống thuốc diệt chuột và hành vi đấy khiến cháu nội nguy kịch phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung Ương. May mắn với cháu bé là đến chiều ngày 5/8, sức khỏe đã được ổn định và được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện Nhi Thái Bình khi Bệnh viện Nhi Trung Ương cấp cứu ổn định.

Bước đầu, Chử Thị Mỹ Lệ đã thừa nhận sau khi được vợ chồng con trai (đang sinh sống ở Hà Nội) gửi trông hộ con, bà Lệ đã 2 lần bơm chất độc (thuốc diệt chuột) vào sữa cho cháu nội uống, gồm 1 lần ở nhà và 1 lần khi cháu đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình. Vụ việc sau đó chuyển cho Công an TP Thái Bình xử lý theo thẩm quyền.

Bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình từng khóc, nói muốn 'mang bệnh thay cho cháu'
Chân dung bà Lệ. Ảnh: 24h

Thông tin với phóng viên Tiền Phong chiều 5/8, một người hàng xóm của gia đình bà Lệ ở thôn Tú Linh (xã Tân Bình, thành phố Thái Bình) cho biết: “Thường ngày, bà Lệ là người nhanh nhẹn, hay nói, không có điều tiếng gì. Phòng khám sản Tân Bình của bà ấy cũng khá đông khách và được nhiều người đánh giá có chuyên môn tốt.

Tuy nhiên, về gia đình thì bà Lệ rất vất vả vì có cháu bị nhiều bệnh bẩm sinh. Nhiều lúc cháu bé la hét vì đau đớn, chúng tôi vẫn thấy bà ấy khóc, nói 'Giá có thể mang bệnh, đau đớn thay cho cháu để nó lớn làm người'. Có thể trong lúc quẫn trí, bà ấy đã nghĩ quẩn, dẫn đến hành động nhẫn tâm là đầu độc cháu”.

Một bác sỹ ở bệnh viện này nói: “Chúng tôi cũng biết chị Lệ rất khổ vì có cháu bị tật bệnh bẩm sinh. Có thể hành động ấy bột phát trong lúc quẫn trí. Nhưng nói gì thì nói, không thể đang tâm đầu độc cháu mình vì lý do ấy được, nhất là chị ấy đang khoác áo thầy thuốc, nghề luôn phải đặt hai chữ “cứu người” lên làm đầu”.

Trước hành vi của bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - người đã có hàng chục năm công tác tư vấn gia đình cho GĐXH hay rằng, hành vi này là tàn nhẫn. Bà Lệ là người có trình độ chuyên môn cũng là người am hiểu về pháp luật khi là bác sĩ tại bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư và có phòng khám tại thành phố Thái Bình. Vậy mà khi Vì biết bệnh tình của cháu nội bị bại não không chữa được nên bà Lệ đã ra tay đầu độc cháu.

Theo chuyên gia Lê Thị Tuý, có thể bà Lệ đang gặp bế tắc khi cháu mắc bệnh không chữa được. Từ tâm trạng này dẫn tới bí bách mà hành động như thế. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa hành vi đó cũng vô cùng tàn nhẫn với máu mủ của mình cần phải hết sức lên án. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, nhất là quyền được sống cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, rất có thể vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên bà đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho cháu. Bản thân bà Lệ có vấn đề trầm cảm, sáng đi tối về lại chăm sóc cháu nội bị bại não nên nghĩ quẩn.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN