Thứ năm, 21/11/2024 | 22:42
RSS

Vụ 3 con gái mang xăng đốt nhà mẹ: Đừng gieo rắc những thương tổn đổ lên đầu con trẻ!

Thứ sáu, 11/11/2022, 16:59 (GMT+7)

TS.LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng đã không ít trẻ nhỏ chỉ vì sai lầm của cha mẹ mà phải chịu những mặc cảm từ người đời, bị mọi người xa lánh gây tổn thương nặng nề.

Từ vụ 3 con gái mang xăng đốt nhà mẹ: Đừng làm tổn thương con trẻ!

Những ngày qua, sự việc 3 con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) khiến 4 người bị bỏng, trong đó 3 người bỏng rất nặng gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói nguồn cơn dẫn đến sự việc đau lòng chỉ vì chuyện tranh chấp đất.

Ngay sau khi nhận thông tin vụ việc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an huyện Yên Mỹ phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân huyện và các đơn vị nghiệp vụ tiến hành khám nghiệm hiện trường, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra làm rõ. Xác định có dấu hiệu của tội giết người nên công an khởi tố vụ án để điều tra. 

Bà Vũ Thị Đ. (61 tuổi) bị tiên lượng nặng nhất đang điều trị tại Viện bỏng Quốc gia. Ảnh: Gia Khiêm

Điều đáng nói sau sự việc này, nhiều đứa trẻ có mẹ gây ra hành vi phạm tội đang rất khổ tâm. Đặc biệt khi những thông tin không đẹp lan truyền trên mạng cùng những lời bàn tán của người dân xung quanh khiến trái tim con trẻ thêm bị xát muối, tổn thương. Thực tế thời gian qua đã có không ít những đứa trẻ là nạn nhân bị ảnh hưởng tinh thần sau những việc mà cha hoặc mẹ đã gây ra lỗi lầm.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, dưới góc độ pháp lý thì ai thực hiện hành vi vi phạm pháp luật người đó phải chịu trách nhiệm. Không có chuyện cha mẹ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà con cái phải chịu hậu quả. 

TS.LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: Gia Khiêm.

"Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rất nhiều trường hợp cha mẹ bị xử lý hình sự khiến những đứa con bơ vơ, bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử và trở thành những nạn nhân trong các vụ việc bạo lực học đường. Theo quy định của pháp luật thì một cá nhân đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Việc xử lý hình sự của cá nhân vi phạm không đồng nghĩa với việc những người thân của họ sẽ liên đới chịu trách nhiệm", luật sư Cường thông tin.

Theo luật sư Cường, về nguyên tắc thì "cha làm cha chịu, con làm con chịu". Chỉ có trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là người chưa thành niên thì cha mẹ liên đới chịu trách nhiệm, còn cha mẹ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì cha mẹ phải tự chịu, trừ trường hợp cha mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự. 

Nhiều người dân bàng hoàng sau sự việc. Ảnh: MXH

"Trong trường hợp một người bị mất năng lực hành vi dân sự mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì người giám hộ, người đại diện sẽ phải thay mặt thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Từ đó cho thấy, dưới góc độ pháp lý thì trẻ em không bao giờ phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm pháp luật của cha mẹ. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến những đứa trẻ sống trong gia đình có cha, có mẹ đang vướng vào lao lý phải chịu thua thiệt đủ đường. Thậm chí, nhiều em nhỏ đã bị bạn bè xa lánh, kỳ thị, bị phân biệt đối xử và trở thành nạn nhân trong những vụ bạo hành, bạo lực học đường", luật sư Cường chia sẻ.

Luật sư Cường cho hay, ở Việt Nam có nền văn hóa Á Đông, tập quán trồng lúa nước nên tính cộng đồng trong xã hội rất cao. Thêm vào đó là "chủ nghĩa lý lịch" vẫn còn in đậm trong tư duy của nhiều người. Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng những đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ vi phạm pháp luật sẽ là những đứa trẻ hư, không ra gì! Rất nhiều bậc phụ huynh đã ngăn cản con cái mình khi biết con chơi thân thiết với các bạn mà có cha mẹ đi tù. 

"Nhiều người có suy nghĩ tiêu cực là đánh đồng trách nhiệm của cha mẹ với trách nhiệm của con cái trong trường hợp cha mẹ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí có những người nhất thời lầm lỡ, hành vi vi phạm pháp luật và họ phải trả giá bằng chế tài nhưng sau khi chuyện đã qua, người chấp hành hình phạt đã được xóa án tích, dưới góc độ pháp lý họ được coi như một công dân bình thường nhưng họ vẫn bị kỳ thị, bị xa lánh và rất khó tái hòa nhập cộng đồng. 

Nghiêm trọng hơn nữa là khi gia đình có một người đi tù về thì cả gia đình đó bị làng xóm xa lánh, kỳ thị và đặc biệt là những đứa trẻ sống trong gia đình đó sẽ bị phân biệt đối xử, bị xấu hổ bởi những tiếng trêu đùa hoặc những lời nói ác ý của những người xung quanh. Đây là vấn đề đạo đức xã hội, là văn hóa giao tiếp ứng xử của nhiều người", luật sư Cường phân tích.

Làm gì để không gây thương tổn cho trẻ?

Từ thực tế đó, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, với những đứa trẻ có cha mẹ đang bị xử lý hình sự thì những người thân trong gia đình, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt là hỗ trợ về mặt tâm lý. Với những trẻ em đang học tập ở môi trường học đường thì giáo viên phải kịp thời nắm bắt tâm lý tư tưởng, kịp thời động viên và hỗ trợ các em vượt qua những biến cố trong gia đình.

Hình ảnh nạn nhân bỏng nặng sau vụ việc đau lòng khiến nhiều người thương xót. Ảnh: MXH

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, hành động 3 con gái mang xăng đốt nhà mẹ là điều không thể dung tha nhưng hậu quả đó đang tác động trực tiếp lên những con cháu trong gia đình.

"Tôi có 2 kiến nghị đó là, địa phương phải hướng dẫn người dân xung quanh không được kỳ thị hay có những lời nói ảnh hưởng đến tâm lý các cháu người gây ra lỗi lầm. Mọi người không nói những chuyện tiêu cực cha mẹ gây ra để rồi đổ lỗi lên đầu con cái. Thứ 2, các trường học thầy cô giáo phải hướng dẫn học sinh bao dung, giúp đỡ các bạn. Có như thế các em mới liền vết thương lòng được", TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Cũng theo luật sư Cường, quá trình hành nghề luật sư, ông đã gặp rất nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự chỉ vì bản thân bị kỳ thị bị nạn nhân nói rằng họ là "con thằng tù", con thằng nghiện"! Khi những đứa trẻ lớn lên trong cảnh người cha hoặc người mẹ đi cải tạo, cha mẹ nghiện ma túy hoặc gia đình bất hòa, khó khăn về kinh tế thì bản thân những đứa trẻ đó thường tự ti, thu mình và tủi thân về hoàn cảnh của mình. 

Những đứa trẻ đó bị dồn nén về tâm lý, chịu đựng sự xa lánh, dè bỉu của xã hội nên rất dễ nổi cáu, có những phản ứng tự vệ thái quá. Bởi vậy, khi bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị trêu trọc thì những đứa trẻ đó rất dễ mất kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện hành vi tấn công trở lại một cách điên cuồng để tự vệ dẫn đến sự việc đôi khi trở nên nghiêm trọng.

Bởi vậy, việc phân biệt đối xử, kỳ thị đối với những đứa trẻ có cha mẹ vi phạm pháp luật hình sự luật sư cho rằng đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án, thậm chí đáng xấu hổ. Điểm phân biệt đối xử, kỳ thị với những đứa trẻ có cha mẹ vi phạm pháp luật hình sự đó là hành vi thiếu văn minh, thiếu tình người và đó là những ngọn lửa nhỏ có thể trở thành đám lửa lớn để thiêu rụi tâm hồn, cảm xúc và tương lai của những đứa trẻ. 

"Để giúp đỡ, chia sẻ, động viên trẻ em khi gia đình xảy ra những biến cố nghiêm trọng khiến có người chết, có người đi tù thì rất cần có sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng, có sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình và chính quyền địa phương. Những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, bạo lực đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như vậy cần phải lên án và xử lý nghiêm minh bằng những chế tài của pháp luật để xã hội công bằng hơn, văn minh và nhân văn hơn", luật sư Cường nói thêm.

Gia Khiêm
Theo Báo Dân Việt