Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:55
RSS

Vụ 18 phu vàng bị thảm sát dã man: Nguyên nhân từ hủ tục săn máu hãi hùng

Thứ ba, 29/08/2017, 08:55 (GMT+7)

Săn máu, săn đầu người là hủ tục từng tồn tại trong cộng đồng người Cơ Tu ở Nam Giang (Quảng Nam) từ nhiều năm trước. Chính hủ tục này là nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ trả thù đẫm máu khiến 18 phu vàng thiệt mạng...

LTS: Ngày 12/10/1986, một nhóm phu vàng đã bị những người Cơ Tu ở xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bắt giữ và sát hại dã man. 19 người bị bắt thì 18 người đã bị tước đi mạng sống, chỉ duy nhất một người may mắn chạy thoát.

Bản án đau xót

Theo ông Kriêng Diệu, Trưởng Công an xã Tà Pơơ thì sau thảm án khủng khiếp trên, nhiều người tham gia hành quyết các phu vàng đã đưa vợ con bỏ trốn vào rừng. Lực lượng chức năng đã phải mất cả tháng trời vận động, khuyên giải thì những người này mới dám ra đầu thú.

Vụ án 18 phu vàng bị sát hại dã man

Giấc mộng đổi đời từ vàng khiến 18 người thiệt mạng tức tưởi (Ảnh minh họa)

Cùng thời gian đó, những kẻ thật sự gây ra cái chết của thầy giáo A Lung Nờ cũng lần lượt bị bắt giữ. Cầm đầu toán cướp này là Hồ Văn Dũng, quê ở Đại Lộc, Quảng Nam.

Tại cơ quan công an, Dũng đã khai nhận, bởi thấy nhóm người của anh Nờ tìm được nhiều vàng, giữa rừng hoang quạnh quẽ, hắn và đồng bọn đã nổi máu tham mà ra tay giết người cướp của.

Đúng nửa năm sau, phiên tòa xét xử những “chiến binh” Cơ Tu được mở ngay tại trung tâm huyện Giằng (Nam Giang bây giờ). Theo ông A Lung Tría, có hơn 30 người tham gia bắt giữ các phu vàng nhưng chỉ những người trực tiếp nổ súng giết người mới phải chịu án tù.

Trong số 10 bị cáo bị phạt án tù thì ông A Lung Tría bị án nặng nhất là 15 năm tù. Ông Kriêng Hiền bị án nhẹ nhất, án là 42 tháng. Trong vụ án này, em trai ông Tría là ông A Lung Trồng cũng phải chấp hành án tù là 10 năm. Tất cả đều bị giam giữ tại trại giam An Điền (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

18 phu vàng bị sát hại

18 phu vàng bị sát hại khi ôm mộng "đổi đời". Ảnh minh họa

Ngay sau phiên xét xử này thì Hồ Văn Dũng và đồng bọn cũng phải ra tòa. Với tội ác mà mình đã gây ra, Dũng đã phải chịu án 20 năm tù giam.

Sở dĩ có sự nương tay đó, theo Trưởng Công an xã Tà Pơơ, ông Kriêng Diệu thì pháp luật đã châm trước, đã xét đến tình huống các bị cáo không am hiểu pháp luật, thực hiện tội ác theo phong tục, tập quán mông muội của mình.

"Săn đầu người", hủ tục kinh hãi

Người già ở Tà Pơơ kể lại, trước chính quyền cách mạng được thành lập ở đây, những người Cơ Tu vẫn lao vào những cuộc săn máu vô cùng tàn độc. Những cuộc săn máu ấy đã lấy đi không biết bao nhiêu mạng người, đẩy nhiều làng Cơ Tu vào vòng khốn đốn.

 Sống qua hơn 90 mùa rẫy, ông A Lung Tría, "nhân vật chính" của vụ thảm sát 18 phu vàng là người già nhất thôn Vinh (xã Tà Pơơ). Trò chuyện với chúng tôi, ông Tría kể, khi cách mạng chưa về, người Cơ Tu ở dưới những tán rừng Trường Sơn này như sống trong hoang dã. Cai trị, thực dân Pháp cũng đặt đồn bốt ở đất này.

vu an 18 phu vang bi sat hai da man

Nhắc lại hủ tục săn máu, ông Tría còn rùng mình kinh hãi

Người Cơ Tu khi ấy sống khép kín, lương thực thực phẩm chủ yếu là do săn bắn và làm rẫy. Thỉnh thoảng các lái buôn người dưới đồng bằng ngược sông Bung lên mang theo muối, dầu, công cụ sản xuất, vũ khí để đổi lấy thóc, da thịt thú rừng.

Cạnh các bản làng của người Cơ Tu có người Ve, người Giẻ Triêng. Bởi chưa có chính quyền nên ngay cả các bản làng của người Cơ Tu cũng không đoàn kết như bây giờ. Mỗi làng là một thế giới riêng, một “chiến lũy” riêng và dường như là bất khả xâm phạm.

Ông Tría bảo, nguyên nhân của sự cô lập ấy chính là hệ quả tàn khốc của tục “trả nợ đầu”, "săn đầu người" hay còn gọi là "săn máu". Theo ông Tría, quan niệm của người Cơ Tu, máu như một sợi dây liên kết giữa người với thần linh.

Muốn thần linh chứng giám, muốn mùa màng tốt tươi, muốn tai ương bị đẩy lùi thì phải dùng máu để tế thần. Bởi vậy, cứ khi dân làng gặp biến cố hay trước những quyết định lớn lao, người Cơ Tu lại lên đường săn máu, lấy đầu người. Và, cũng chính bởi hủ tục tàn độc này mà nhiều bản làng ở đây có những những mối thù truyền kiếp.

Người làng này “lấy đầu người” của người làng kia và ngược lại. Và khi trong làng có người bị giết hại, bị lấy đầu thì kiểu gì cũng phải trả thù. Mất một đầu thì phải đòi lại một đầu, mất hai đầu thì phải đòi hai đầu. Theo ông Tría thì không làm thế thì sẽ bị thần linh quở phạt, cả làng sẽ phải sống trong tủi nhục, tai họa bủa vây.

Qua những mùa săn máu, mũi lao của ai dính thấm nhiều máu của kẻ thù thì được coi như một người hùng, được dân làng tôn kính. Ông Tría đã tận thấy nhiều mùa săn máu, đòi nợ đầu khủng khiếp ở đất này.

Những cuộc truy sát đẫm máu

Săn máu như một cuộc chiến được quy ước bởi thần linh. Làng này bị làng khác lấy đầu thì chỉ được đòi lại bằng chính số đầu đã mất. Nếu đòi hơn thì sẽ bị thần linh trách phạt. Đây là "luật" bất di bất dịch tồn tại trong đời sống người Cơ Tu và nhiều tộc người khác sinh sống trong vùng.

săn máu

Vụ sát hại 18 phu vàng khiến những người tham gia lâm vào cảnh tù tội

Tuy nhiên, theo ông Tría, quy ước ấy đã bị phá vỡ bởi một cuộc tàn sát kinh hoàng vào khoảng năm 1945 của những “giặc mùa” ở một bản làng thuộc xã Đắk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Người Cơ Tu gọi những kẻ săn máu là giặc mùa, tức những kẻ giết người theo mùa vụ. Chính cuộc tàn sát vượt ra ngoài quy ước này đã khiến các bản làng ở đây luôn sống trong thù địch suốt một thời gian dài.

Ông Tría kể, ngày đó, người dân bản làng ông cũng như nhiều bản làng khác có giao thương với những người ở Đắk Ring. Những người ở bản làng ấy thường mang những miếng đá đánh lửa sang các bản làng bên này bán.

Một lần đến làng ông, những người bán đá lửa đó đã được dân làng ông dặn rằng chuyến sau phải mang nhiều hàng hơn nữa, mang bao nhiêu sẽ mua hết bấy nhiêu. Nhớ lời dặn ấy, mấy tháng sau những thương lái đó đã gùi rất nhiều đá đánh lửa tới. Tuy nhiên, dân làng ông lại khước từ, không mua hết.

“Không biết có phải do tức tối vì không bán được hết đá hay vì lý do nợ máu trước đây mà họ đã giết người vô cùng tàn ác”, ông Tría nhớ lại. Theo ông Tría thì không chỉ có những người buôn đá ấy mà cả những người trong làng đó đã tìm đến làng ông truy sát.

Như những con thú khát mồi, họ gặp bất cứ ai là ra tay sát hại người đó. Có gia đình đình bị giết sạch, kể cả phụ nữ và trẻ em.

Ông Tría bảo, vụ “săn máu” kinh hoàng đó đã khiến hơn 30 người làng ông và mấy làng lân cận thiệt mạng. Và, cũng bởi sợ hãi trước sự tàn ác của giặc mùa mà nhiều bản làng đã phải tứ tán, vào rừng hoang sống đời ẩn dật.

Ông Tría kể, sau vụ thảm sát kinh hãi trên, nhiều cán bộ ở dưới xuôi đã có mặt tại địa phương để khuyên giải đồng bào. Họ đã nhiều lần qua lại để vận động mọi người quên đi mối “nợ máu” đó để cùng chung sống trong hòa bình, đoàn kết.

“Cán bộ nói nhiều ngày lắm, nhưng nhiều người cũng không chịu nghe đâu. Họ bảo, nợ máu phải đòi bằng máu, làm khác đi không được”, ông Tría nhớ lại.

Theo ông Tría, nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ, rồi dân làng bên kia phải nộp phạt nhiều con trâu, nhiều lợn, nhiều dê để các làng cúng Giàng, cúng thần linh thì mối thù ấy mới tạm thời nguôi lắng.

“Sau này, dân làng theo cách mạng rồi, có cán bộ dưới xuôi lên rồi thì những mùa săn máu trên không còn nữa. Người Cơ Tu đã không còn lấy máu người để tế lễ thần linh nữa. Cần thần linh phù trợ thì chỉ làm lễ đâm trâu thôi”, ông Tría trầm ngâm.

Theo cách mạng, ông Tría là một trong những cán bộ cốt cán của người Cơ Tu ở vùng đất này. Và, bởi được giác ngộ nên ông cũng là người đi tiên phong trong việc cùng dân làng xóa bỏ những tập tục lạc hậu, trong đó có tục “trả nợ đầu”, "săn máu" kinh hãi.

Công bố rúng động

Đại úy Le Pichon, một lính viễn chinh của thực dân Pháp, khi được bổ nhiệm làm trưởng đồn ở An Điềm (thuộc huyện Nam Giang bây giờ) đã có những ghi chép về cuộc sống của đồng bào Cơ Tu ở đây, trong đó có tập tục “săn máu” kinh hãi.

Ghi chép “Les Chasseurs de Sang” (Kẻ săn máu)  của Le Pichon được công bố năm 1938 trên Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế đã khiến nhiều người sửng sốt. Theo ghi chép của viên đại úy này thì những cuộc săn máu thường được quyết định tại nhà Gươl của làng, nơi tập trung những người đàn ông khỏe mạnh.

Có nhiều nguyên do để một làng Cơ Tu bước vào một cuộc săn đầu người ghê rợn, có thể là do mất mùa, hay do những tai ương, địch họa, thậm chí là làng chuẩn bị có việc lớn. Săn máu là để yên lòng thần linh và để thần linh ủng hộ cho việc lớn sắp đến ấy.

Nếu cuộc săn máu đã được quyết định thì người ta phải tìm xem ai sẽ là nạn nhân. Nhiều người, bởi thù ghét riêng tư đã xướng tên mình cần giết. Nếu không tìm được người sẽ là “vật thế thần” thì thầy cúng lại xem bói chân gà.

Chân gà sẽ chỉ đường cho những chiến binh người Cơ Tu đó tìm đến nơi có thể vấy máu người. Và, trong cuộc đi săn ấy, sẽ có những người vô tội bị tước đi sinh mạng.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN