Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:14
RSS

Thầy giáo mất mạng vì gặp cướp, cả làng vào cuộc "đòi nợ máu" khiến 18 người chết thảm

Thứ sáu, 25/08/2017, 06:46 (GMT+7)

Vào núi tìm vàng, con trai ông Tría bị cướp sát hại. Đây chính là lý do để ông Tría, từng là cán bộ mẫn cán ra quyết định tước đi mạng sống của 18 người vô tội.

Thầy giáo hiền lành mất mạng vì cướp cạn

Như đã nêu ở bài viết trước, thấy đám học sinh không có đủ gạo ăn, không có chăn đắp cho mùa đông sắp tới, thầy giáo A Lung Nờ, con trai ông A Lung Tría, đã rủ mấy thanh niên trong bản vào núi tìm vàng những mong cải thiện đời sống cho đám học sinh.

Ngày ấy, ở Tà Pơơ, khe Vinh và những bãi đá dọc sông Bung được nhiều người tìm vàng gửi gắm vận may rủi. Là người bản địa, anh Nờ biết chỗ nào có thể có vàng. Chính vì thế, anh không tìm đến những địa điểm trên mà tìm vào khe A Oi còn gọi là khe Gấu Nhỏ.

Vụ 18 phụ vàng bị sát hại dã man

Ông Tría bảo, đến giờ ông vẫn rất ân hận vì tội ác trong vụ án 18 phu vàng bị sát hại dã man mà mình gây ra

Vào đây, chỉ vài ngày tìm kiếm, anh Nờ và hai người bạn đã tìm được rất nhiều vàng. Đang định khai thác thêm vài ba hôm nữa, khi số gạo mang theo vừa hết thì cả bọn sẽ kéo nhau về thì nhóm của anh Nờ bất ngờ gặp một tốp phu vàng đến từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Nhóm phu vàng này bảo họ đã lên đất này nhiều ngày, đã ăn gần hết số gạo mang theo mà chưa thấy vàng đâu. Thấy đám phu vàng ấy tiều tụy, đói khát, nhóm của anh Nờ đã san sẻ cho họ gạo và với bản tính thật thà, anh Nờ cũng chỉ cho họ chỗ mà nhóm mình tìm thấy vàng và khoe cả chiến quả mà nhóm mình làm được.

Anh Nờ đâu biết sự thật thà ấy là không cần thiết và anh đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Những kẻ mà nhóm anh Nờ gặp ở khe Gấu nhỏ ấy không phải là những phu vàng khốn khổ mà là những tên cướp cạn. Chúng đến bãi vàng dò la xem nhóm nào trúng vàng rồi ra tay trấn cướp.

Bởi thế, khi thấy nhóm anh Nờ khoe là tìm được nhiều vàng chúng đã bổ đến dùng xà beng tấn công tới tấp. Bị đánh bất ngờ, anh Nờ không kịp phản kháng, đổ gục như thân chuối. Hai người bạn bởi đứng ở khoảng cách xa hơn nên đã liều lĩnh phá vòng vây khi thân thể đã bê bết máu.

Thạo đường rừng, lại quen vượt núi tìm săn con hoẵng, con mang nên họ đã chọn những cung đường hiểm trở để chạy. Đám cướp cạn kia cố sức phóng theo những mong đuổi cùng giết tận. Tuy nhiên, khi hai người Cơ Tu đó chạy ra khỏi bìa rừng, nơi tiếp giáp với cộng đồng dân cư thì những kẻ cướp cạn kia không dám theo tiếp nữa.

"Cái chết xấu" khiến cả làng ngùn ngụt hận thù

Ông Tría kể, sẩm tối ấy, thấy hai người đi đào vàng cùng con ông lết về làng báo tin dữ, ông như thấy trời nghiêng đất sập.

18 phu vàng bị sát hại

Ông Kriêng Hiền kể về vụ thảm sát 18 phu vàng

“Tôi như thấy mặt mình bị ai đó hất ớt cay, tôi thấy người mình như điên như dại, tôi muốn trèo lên cây cao để buông mình xuống, tôi muốn ra sông sâu để nước cuốn đi, tôi thấy quần áo mình mặc trên người là thừa thãi, bùng nhùng”, ông Tría bàng hoàng nhớ lại.  

Sau phút bàng hoàng, ông Tría cùng với mấy người khác cuống cuồng đi tìm con. Bước thấp bước cao ông chạy vào khe núi. Đám dân bản cũng đèn đuốc sáng bừng chạy theo. Ai cũng ngùn ngụt căm phẫn.

Thấy thi thể con trai nằm co quắp bên khe suối, ông Tría như thấy ai đó bóp nát tim mình. Niềm hi vọng của gia đình ông, niềm tự hào của gia đình ông và của cả bản làng nơi ông ở giờ chỉ còn là cái xác thảm thương. Như con thú bị trúng tên độc, ông Tría hét lên đau đớn.

Thi thể thầy giáo A Lung Nờ được mọi người đưa về làng ngay đêm ấy. Đương nhiên, với tất cả sự tôn kính dành cho thầy giáo Nờ thì đêm đó, từ trẻ con đến người già, không một người Cơ Tu nào chợp mắt. Mọi người ai nấy đều sùng sục căm hờn.

Giống như nhiều tộc người khác ở cửa ngõ Tây Nguyên, người Cơ Tu cũng rất kiêng kỵ những cái “chết xấu”. Theo quan niệm của đồng bào sống dưới tán rừng, chết xấu là những cái chết để lộ máu tươi, thường là chết do bị thú dữ vồ hay tai nạn trong quá trình mưu sinh, kiếm sống.

Nhiều nơi, gia đình có người chết xấu phải trâu, bò, lợn, gà để làng làm lễ tế những mong thần linh nguôi giận. Thậm chí, đã có nhiều làng phải di chuyển chỗ ở chỉ vì trong làng có người không may vướng phải cái chết không đúng với quy luật tự nhiên này.

vu an 18 phu vang bi sat hai da man

Như ông Tría, ông Kriêng Hiền cũng sống trong dày vò, ân hận

Như đã nói ở phần trước, bởi là người có công với làng nên gia đình ông A Lăng Tría được dân làng hết mực tôn kính. Thầy giáo A Lung Nờ vốn là người hiền lành, hết lòng mang cái chữ đến cho con em đồng bào nên được mọi người vô cùng quý mến. Thầy Nờ chết thảm, cái bụng của ông Tría không yên, cái bụng của dân làng cũng không yên.

Không những thế, khi ấy, trong cơn bấn loạn, ông Tría còn có một nỗi sợ hãi khác. Nỗi sợ hãi như bóng ma, khi thì chập chờn, khi thì rõ mồn một. Có lẽ nào việc các con ông hết đứa này đến đứa khác cứ lần lượt bỏ vợ chồng ông mà đi là bởi do thần linh trách phạt?

Lên đường "đòi nợ máu"

Ông Tría bảo, khi đó, trong cơn đau rã rời, ông đã nghĩ có lẽ do mình vận động đồng bào xóa nhiều tập tục, thói quen lạc hậu nên đã làm thần linh phật lòng. Nếu đúng là như vậy thì ông là người có tội với các con ông, có tội với dân làng.

Và rồi, chính những ý nghĩ điên dại này đã khiến ông đi đến một quyết định mà cả quãng đời về sau ông phải sống trong dằn vặt, ăn năn. Ông Tría kể, đêm đó, bên thi thể con mình, khi nghe dân làng bàn chuyện “nợ máu phải trả bằng máu" như quỷ khiến ma xui, ông đã gật đầu chấp thuận.

Được sự chấp thuận của ông Tría, ngay trong đêm đó, những chiến binh thiện nghệ nhất của làng ông đã vội vã lên đường. Nhiều người trong số họ có mang theo súng. Người làng ông ngày ấy nhà nào cũng có vài khẩu súng. Toàn súng quân sự, thứ mà chiến tranh để lại.

thảm sát

Vì vàng, nhiều người đã phải trả giá bằng mạng sống (Ảnh minh họa)

Thêm nữa, tham gia vào cuộc truy lùng trên có cả xã đội trưởng, dân quân, những người thời kỳ ấy được trang bị súng đạn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tría bảo, ông không trực tiếp tham gia săn cuộc săn lùng những kẻ gây ra cái chết của con trai ông. Khi ấy, bởi cũng đã có tuổi lại thêm nỗi đau mất con nên người làng đã không để ông đi.

Theo chân Trưởng Công an xã Kriêng Diệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Kriêng Hiền, sinh năm 1957, một “chiến binh” tham gia vụ săn lùng rồi thảm sát 18 phu vàng năm ấy.

Kriêng Hiền là anh họ của Trưởng Công an xã Kriêng Diệu. Hôm chúng tôi đến, ông Hiền đang chuẩn bị gỗ để làm nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiền bảo, cũng bởi vụ “đòi nợ máu” kinh hãi đó mà ông vướng vào vòng lao lý, tù tội. Bởi ở tù nên cảnh nhà đã khó lại càng thêm khó, mãi mà chưa làm được mái nhà cho tử tế.

Nhà cũ xập xệ, cứ mưa lớn là nước lại sầm sập tràn vào. Thương vợ con nên nhiều năm qua ông đã vào rừng kiếm gỗ những mong dựng một ngôi nhà tử tế, vững chãi hơn cho vợ con bớt khổ.

Nhắc lại chuyện xưa, như nhiều người khác, ông Hiền không khỏi rùng mình sợ hãi. A Lung Nờ trạc tuổi ông, như nhiều người khác, ông cũng rất nể trọng người bạn cùng làng này. Nghe tin Nờ bị người ta giết hại, ông cũng rụng rời chân tay như thể mình vừa mất đi một phần thân thể.

Ngày đó, ông Hiền là dân quân ở thôn. Nghe tin dữ, ông cuống cuồng chạy ra nhà Gươl rồi theo đoàn người đi tìm thi thể thầy Nờ. Đưa xác thầy Nờ về làng xong xuôi, ông Hiền về nhà chực kiếm cái gì lót dạ. Thế nhưng, vừa bưng bát thì ông Za Hát Tal, thôn đội trưởng tìm đến.

Ông Tal bảo: “Người ta sát hại thầy giáo Nờ là chọc giận thần linh rồi. Không đi bắt những kẻ đã làm điều ác thì thần linh không để làng mình yên đâu! Đi ngay đi, lũ làng đang chờ đấy”.

Ông Hiền kể khi ông còn đang lưỡng lự thì ông Tal lại bảo: “Người làng đã quyết định thế rồi, anh là dân quân mà không chịu đi thì không được đâu!”. Người Cơ Tu bao đời nay nhất nhất nghe theo quyết định của làng nên nghe thôn đội trưởng nói vậy, ông Hiền vào nhà lấy súng rồi tất tả lên đường.

Ông Hiền nhớ khẩu súng mà ông được thôn giao cho sử dụng khi đó là khẩu AR15. Khoác súng trên vai, ông theo thôn đội trưởng đến nhà Gươl, nơi mọi người đã tề tựu đông đủ. Thấy ông đến, chẳng ai nói thêm câu nào nữa, mọi người vội vã lên đường.

Được sự chấp thuận của ông Tría và những người có chức sắc trong xã, thôn, đoàn người đi "đòi nợ máu" đã xẻ rừng vào núi tìm những kẻ đã gây ra cái chết thảm thương của thầy giáo A Lung Nờ. Và, những người Cơ Tu này đã bắt và hành quyết nhầm nhóm phu vàng của ông Hòa.

Cuộc bắt giữ và thảm sát này diễn ra như thế nào, kính mời độc giả đón đọc tiếp phần sau…

(Còn nữa)

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN