Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:50
RSS

Vợ ca sĩ Đăng Khôi bất ngờ tiết lộ tận mắt chứng kiến 2 con trai bị bạo lực học đường

Thứ tư, 19/04/2023, 17:30 (GMT+7)

Mới đây, Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi lần đầu tiết lộ chuyện 2 con trai của vợ chồng cô từng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Theo đó, Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi đã trải lòng câu chuyện 2 con trai của mình từng là nạn nhân của bạo lực học đường trên trang cá nhân. Cô tay chân bủn rủn, mình lồng lên, gào thét khi tận mắt chứng kiến con trai bị bạn bè bắt nạt.

Vợ ca sĩ Đăng Khôi bất ngờ tiết lộ tận mắt chứng kiến 2 con trai bị bạo lực học đường

Thủy Anh và Đăng Khôi có với nhau 2 cậu con trai kháu khỉnh là Nguyễn Đăng Khang (tên ở nhà là Ken) và Nguyễn Đăng Anh​. Ảnh: FBNV.

Cụ thể, báo  VTC đã trích lại chia sẻ của Thùy Anh trên trang cá nhân: 

“Cô ơi, bạn kia xúi bạn cầm kéo đâm em!"

Đã lâu rồi mình không viết những bài dài để chia sẻ những điều mình gặp hàng ngày trên hành trình làm mẹ. Nhưng hôm nay mình thấy cần phải viết ra những việc mình đã trải qua và cảm xúc của một người mẹ khi con mình là nạn nhân của bạo lực học đường. 

Thuỷ Anh luôn nghĩ, “chắc bắt nạt hay bạo lực học đường sẽ chừa con mình ra”. Có bậc cha mẹ nào nghĩ con mình sẽ bị bắt nạt, bị các bạn doạ đánh hay lăng mạ? Nỗi đau của cha mẹ có con bị bắt nạt cũng cứa sâu như chính các con, vì làm cha mẹ nhưng không thể bảo vệ con được.

Ken và Đăng Anh đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Khi nói “nạn nhân", Thuỷ Anh thực sự coi đây là vấn đề nghiêm trọng: Con bị đánh, bị bạn xúi đâm kéo vào người, bị nói xấu, bị cô lập, bị tẩy chay. 

Ken bị bắt nạt năm lớp 1, lớp 3, còn Đăng Anh thì vụ việc xảy ra ngay trong năm học này, ngay tại lớp của anh Ken. Mình thấy có rất nhiều lý do khiến con bạn có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Học giỏi cũng bị bạo lực học đường, học kém cũng bị, nhà nghèo cũng bị, nhà có điều kiện hơn cũng bị, xấu xí cũng bị, xinh đẹp cũng có thể là lý do. Và với tụi nhỏ nhà mình thì một phần lý do vì con là con của người nổi tiếng. 

Lần vừa rồi khi đến trường đón con, mình chứng kiến cảnh Đăng Anh bị 3 bạn lớp anh Ken quây, 1 bạn chuẩn bị đập cánh cửa lớp vào bàn tay Đăng Anh đang để sát cửa. Những bạn xung quanh liền mách 'Cô ơi em của Đăng Khang bị đánh hội đồng!', 'Cô ơi bạn kia xúi bạn khác cầm kéo đâm em!'.

Vợ ca sĩ Đăng Khôi bất ngờ tiết lộ tận mắt chứng kiến 2 con trai bị bạo lực học đường

Thùy Anh cùng con trai Đăng Anh. Ảnh: FBNV. 

Chỉ nghe đến đó thôi mà tay chân mình bủn rủn, mình lồng lên, gào thét. Chưa bao giờ mình lại có cảm giác điên rồ như thế này, mặc dù trước đây anh Ken đã từng bị nhưng mình không được chứng kiến tận mắt nên cảm giác thực sự khác lúc này. 

Sau khi lấy lại bình tĩnh, mình đã hỏi rõ lý do, phân tích để tụi nhỏ hiểu nếu hành động quá thêm một bước thì hậu quả sẽ xảy ra như thế nào.

Nếu em Đăng Anh gây ra lỗi, cô và em sẵn sàng xin lỗi các con, còn nếu lỗi không phải từ Đăng Anh, các con phải xin lỗi em và quyết liệt sửa đổi. Và 3 bạn đã xin lỗi Đăng Anh, mình yêu cầu cả 3 ôm lấy Đăng Anh vào lòng để biết em đang run như thế nào, em có đáng bị bắt nạt như vậy không?

Lúc đó cô giáo chủ nhiệm cùng góp mặt và xử lý vấn đề với mình. Cô cũng gửi lời xin lỗi vì để sự việc này xảy ra, cô sẽ trao đổi với phụ huynh của 3 bạn kia để gọi điện xin lỗi mình và Đăng Anh. Ngay hôm sau, thầy phụ trách sinh hoạt chung của toàn trường cũng đã họp với 3 bạn để kiểm điểm và giáo dục các bạn thêm. Mình cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều.

Những giải pháp phi bạo lực như vậy có lẽ là điều tốt nhất nhà trường có thể làm để không khiến các em học sinh bắt nạt cảm giác bị dồn vào đường cùng, cũng như các em là nạn nhân được bảo vệ chính đáng. Sự đồng hành của nhà trường cùng với sự sát sao của phụ huynh sẽ giúp ngăn chặn những điều không hay có thể xảy ra trong tương lai.

Lý do mình chọn trường ở gần nhà để tiện đưa đón con đi học là vì với mình, khoảng thời gian đưa đi và đón về là khoảng thời gian vô cùng quan trọng để cập nhật tình hình học hành, bạn bè, các sự việc diễn ra trong một ngày của con. Ngay khi con gặp vấn đề gì, bố mẹ kịp thời trao đổi với thầy cô giáo để nắm được tình hình và có phương hướng xử lý. Có những mối quan hệ bạn bè của con mà mình thường xuyên phải góp mặt trong đó để là cầu nối, hoà giải các mâu thuẫn, góp phần hàn gắn tụi nhỏ với nhau. 

Sau khi hoà giải, Thủy Anh có đưa ra các giải pháp như sau:

- Về phía cô giáo: nhờ cô giáo thông báo và trao đổi với 3 phụ huynh về vụ việc, đồng thời cất những vật sắc nhọn trong lớp, ko để các bé dễ dàng sử dụng ngoài giờ học.

- Về phía Đăng Anh: lý do con bị đánh là vì hay lên lớp a Ken xin kẹo của cô, Thủy Anh nói con tạm thời trong thời gian này mình đừng lên lớp anh một mình, con muốn kẹo gì mẹ sẽ mua cho con nhé. Sau này các anh kia vui vẻ thì con lên chơi sau.

- Về phía 3 bạn kia: Thủy Anh và anh Khôi có đến vào giờ tan học để nói chuyện tâm sự với 3 bạn thêm 1 lần nữa. Sau đó kết nối với các bạn, Ken và Đăng Anh lại với nhau. Ken có mang đồ ăn đến cho bạn làm hoà và sinh nhật Ken có mời bạn đến nhà để cùng chơi với Đăng Anh.

Thủy Anh không muốn để 3 bạn kia phải sợ mình, mà mong muốn các con hiểu nhau, chơi được với nhau thật sự, hoá giải mọi mâu thuẫn.

Chúng ta - những người làm cha mẹ, đã nói quá nhiều về bạo lực học đường rồi nhưng đôi khi vẫn lúng túng khi phải đối diện với vấn đề thực tế. Mỗi lần nghe tin một người trẻ qua đời vì bạo lực học đường, bố mẹ lại có một đêm mất ngủ, trằn trọc lo cho con mình.

Bạo lực học đường có thể xảy ra ở bất kỳ cấp học nào, lớp 1 hay lớp 12, có thể xảy ra ở bất kỳ môi trường nào, trường công lập hay quốc tế trường chuyên hay trường thường, bất kể con bạn là ai. 

Nhiều chuyên gia cũng cho biết, bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản Mỹ hay châu Âu mới đang ở giai đoạn bắt đầu và có thể tệ hơn trong những năm tới.

Không một đứa trẻ nào “miễn nhiễm" trước bạo lực học đường, trừ khi các con trở thành những kẻ bắt nạt người khác. Với Thuỷ Anh, đó là sự phản kháng đáng buồn nhất của một đứa trẻ và sự thất bại của một người làm cha mẹ khi không dành nhiều thời gian hơn cùng con. 

Đó là phương pháp tốt nhất cho con mình cũng như các bạn.

Đừng tặc lưỡi, “chuyện của trẻ con để trẻ con giải quyết.”

Đừng quên hỏi han con thường xuyên, đừng để tới lúc sự tiêu cực bủa vây lấy con rồi bố mẹ mới nhận ra đã quá muộn.

Đừng coi một lời chửi bới, một hành vi gây hấn là chuyện “bình thường ấy mà.”

Đừng chỉ buồn hay phẫn nộ vì những câu chuyện trên mạng, hãy thực sự quan tâm tới các con của mình.

Đừng dùng bạo lực để giải quyết bạo lực. 

Hãy làm bạn với con, động viên con chia sẻ hết những điều khúc mắc trong cuộc sống. Hãy lắng nghe con và sẵn sàng xù lông lên bảo vệ con trước những hành vi bạo lực của kẻ khác.

Cầu mong tất cả các ông bố bà mẹ chúng ta sẽ không bao giờ phải nói “giá như mình đã ở bên con nhiều hơn.”

Ca sĩ Đăng Khôi và Thủy Anh kết hôn vào năm 2013, sau 10 năm hạnh phúc cặp đôi đã có một tổ ấm nhỏ với 2 bé trai kháu khỉnh. Cả hai từng nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả vì cách dạy con khéo léo, hiện đại. Dù có cuộc sống dư giả nhưng vợ chồng Đăng Khôi vẫn quyết định cho con học trường công lập vì muốn các con được học ở môi trường hoà đồng, đơn giản và chú trọng tới việc trang bị hành trang tốt để có những đóng góp giá trị có ích cho xã hội. Tuy nhiên trước tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối và chuyện xảy ra với 2 cậu con trai nhỏ khiến cô vô cùng lo lắng. Thủy Anh nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh cần làm bạn và động viên con, chia sẻ những điều khúc mắc trong cuộc sống và sẵn sàng xù lông lên bảo vệ trước những hành vi bạo lực của kẻ khác.

Thúy Vũ (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại