Chủ nhật, 24/11/2024 | 13:18
RSS

Vì sao vợ bí thư đốt xác kế toán, thủ tiêu hai chủ nợ thoát án tử hình?

Thứ tư, 18/01/2017, 11:29 (GMT+7)

Tại các phiên xét xử trước, vợ Bí thư xã bị tòa tuyên án tử hình về tội Giết người, nhưng trong công văn mới đây, bị cáo từng sát hại 2 chủ nợ, phi tang thi thể nữ kế toán lại được giảm xuống chỉ còn 20 năm tù giam.

Vợ Bí thư xã đốt xác nữ kế toán, sát hại 2 chủ nợ: Phạm tội chưa đạt?

Ngày 17/1, Chánh án TAND Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến cho biết vừa nhận được công văn của TAND Tối cao, quyết định chuyển hình phạt từ tử hình xuống 20 năm đối với bà Lê Thị Hường (42 tuổi - vợ nguyên bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức) về tội Giết người.

Theo nội dung vụ án bà Hường vay của vợ chồng ông Hùng, bà Nga 100 triệu đồng và thiếu 60 triệu đồng tiền hụi. Vợ chồng ông Hùng nhiều lần đòi nhưng bà Hường không trả. Ngày 15/1/2013, bà Hường gọi điện cho vợ chồng ông Hùng hối thúc đến nhà tính toán nợ. Chiều hôm đó, khi tính tiền bà Hường nói bà Nga (đang bị ốm) lên giường nằm nghỉ, chờ chồng mình về giải quyết tiền bạc, đồng thời bảo ông Hùng ra vườn chặt chuối và lấy trứng gà bồi bổ cho vợ.

vợ bí thư xã đốt xác kế toán

Bị cáo Lê Thị Hường, hung thủ đốt xác kế toán xã, sát hại 2 chủ nợ

Trong lúc ông Hùng lúi húi nhặt trứng, bà Hường cầm dao chém nhiều nhát vào đầu, tay. Nghe tiếng kêu cứu, bà Nga chạy ra cũng bị chém 3 nhát. Người dân phát hiện sự việc nhanh chóng đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Bà Hường được chồng đưa đến công an đầu thú sau đó một ngày. May mắn thoát chết nhưng ông Hùng bị thương tật gần 80% vì 17 nhát chém, còn bà Nga bị thương tật với hơn 26% sức khỏe

Trước đó, vào tháng 5/2012, nữ thủ quỹ xã Kim Long là bà Dương Thị Thủy Bình Hà (54 tuổi) đến nhà Hường, và cũng mất tích luôn từ đó. Hường khai rằng, chị Hà đến chơi, bị điện giật chết nên Hường đã đốt xác rồi đem chôn tro cốt Bình Hà ở nhiều gốc cây quanh nhà, còn tài sản của nạn nhân thì Hường đã đem bán. Về nguyên nhân Bình Hà chết vẫn chưa được làm rõ, song với hành vi đốt xác, bà Hường bị phạt 5 năm tù về tội Xâm phạm thi thể.

Vợ bí thư xã đốt xác kế toán, sát hại chủ nợ

Công an khám nghiệm hiện trường vụ án

Với các hành vi nêu trên, trong các phiên xét xử, tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên bà Hường mức án cao nhất là tử hình. TAND tối cao cũng xác định, bà Hường nhận mức án tử hình về tội Giết người là có căn cứ, đúng pháp luật

Tuy nhiên, TAND tối cao cho rằng, căn cứ vào khoản 3 Điều 57, Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1/7/2015) quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm…”. Dù bộ luật đã được Quốc hội lùi hiệu lực thi hành nhưng các quy định có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng.

Xử tử hình là quá nghiêm khắc?

Phân tích sâu hơn về hành vi của bà Hường và căn cứ áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hành vi phạm tội của Lê Thị Hường là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến sức khỏe của các nạn nhân là ông Hùng bị thương tật gần 80% còn vợ thì 26%. Hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện sự đê hèn, giết người để quỵt nợ và giết nhiều người.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Mặt khác hành vi phạm tội của bị cáo đã gây mất trật tự trị an trên địa bàn, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong vụ án này, các nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo nên bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, do các nạn nhân không chết nên hành vi giết người của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Khi xét xử, Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có sai lầm trong việc áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo là quá nghiêm khắc trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Bởi Điều 52 Bộ luật Hình sự 1999 quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Công văn số: 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định như sau: Kể từ ngày 01/7/2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Căn cứ Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Căn cứ các quy định trên, bà Hường bị kết án tử hình về tội giết người (phạm tội chưa đạt) thuộc trường hợp được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt 20 năm tù là do áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015.

Vì vậy, chánh án TAND tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình về tội giết người đối với Lê Thị Hường thành hình phạt 20 năm tù là có căn cứ, phù hợp với qui định của pháp luật.

Nguyễn Nghĩa
Theo Đời sống Plus