Thứ sáu, 11/10/2024 | 18:25
RSS

Vì sao vắc xin được ví như một vũ khí chiến lược trong công tác phòng chống dịch?

Thứ hai, 04/07/2022, 06:36 (GMT+7)

Vắc xin được ví như một vũ khí chiến lược trong công tác phòng chống dịch. Thực tế này đã chứng minh trong thời gian gần 3 năm vừa rồi tại nước ta, tỉ lệ bệnh nặng và tử vong do Covid-19 đã giảm nhanh sau khi chúng ta bao phủ vắc xin tới người dân với tỉ lệ rất cao.


Ảnh minh họa.

Thông tin tại tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay?”, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, vắc xin giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Khi tác nhân gây bệnh vào người thì sẽ giảm mắc, giảm chuyển nặng hoặc tử vong. Thậm chí có người khi tiêm vắc xin nếu có mắc thì cũng nhẹ hơn những người chưa tiêm.

“Ở đây chúng ta thấy rằng vắc xin là vũ khí chiến lược. Bởi vì trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh mạnh như hiện nay với biến chủng SARS-CoV-2, chúng ta thấy rằng biện pháp chống lây lan nhanh hoặc là các biện pháp hành chính xã hội hoặc thuốc và các biện pháp gần như cơ bản khó đáp ứng được một cách dài.

Do đó vắc xin tạo miễn dịch cho con người, người ta có thể đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn. Tôi cho rằng là quan trọng.” - GS.TS Phan Trọng Lân nói.

“Thứ hai, vắc xin là một thành tựu của y học, một trong những biện pháp phòng chống tốt nhất của y tế dự phòng. Bởi vắc xin là dựa trên bằng chứng nghiên cứu từ trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu trên động vật, qua 3 giai đoạn trên người. Thậm chí sau khi đã nghiên cứu kỹ, ra ngoài thị trường vẫn tiếp tục được nghiên cứu.

Phải nói là chưa bao giờ trong vòng 2 năm qua đã sử dụng đến hàng tỷ liều và được sự giám sát rất chặt chẽ của mỗi người dân, của các cơ quan y tế và của Tổ chức Y tế thế giới Chỉ cần một sự bất thường nào đấy ở vùng nào đấy, lập tức sẽ dừng trên toàn cầu với vắc xin được sử dụng.” - GS.TS Phan Trọng Lân thông tin thêm.

GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh, nói vậy để thấy rằng vấn đề an toàn, vấn đề hiệu quả luôn được theo dõi, giám sát; có sự bất thường thì người ta sẽ phanh lại một cách kịp thời.

Trong bối cảnh quốc tế thì chúng ta thấy rằng vấn đề hiện nay là kiểm soát. Thực ra, hiện nay chúng ta đang kiểm soát BA.2. Toàn bộ hình thái dịch tễ của chúng ta vừa rồi là từ tháng 1 cho đến nay chủ yếu là BA.2.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, khi chúng ta mắc BA.2, nếu chúng ta được tiêm ngừa thì chúng ta được an toàn và ít mắc. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới có nói BA.5 đã xâm nhập và ở đây chúng ta có thể phát hiện được.

Tuy nhiên, bên ngoài chúng ta, số ca mắc tăng liên tục hằng tuần và gần như tăng gấp đôi. Như vậy, với việc đi lại bình thường thì sự xâm nhập chỉ là vấn đề thời gian.

GS.TS Phan Trọng Lân cũng cho rằng, biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội gần như cơ bản sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Như vậy, vắc xin là một yếu tố rất quan trọng. Chúng ta thấy rằng tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn.

Một điểm chúng ta nhìn thấy ở đây là đặc thù của vắc xin SARS-Cov-2 khi chậm lại. Miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4 đến 6 tháng.

“Như vậy chúng ta làm thế nào tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để chúng ta phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác.

Một minh chứng là đã có thay đổi từ chủng gốc cho đến anpha, beta, denta và omicron nhưng vắc xin rất hiệu quả. Nhưng khi có hiệu quả thì nó tạo ra tình trạng chúng ta chủ quan lơ là.” - GS.TS Phan Trọng Lân lưu ý.

Phạm Hiền
Theo Giáo dục & Thời đại