Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:09
RSS

Vì sao nước mía là 'thần dược' giải trừ bệnh mùa hè?

Thứ ba, 23/04/2019, 07:02 (GMT+7)

Khoa học đã chứng minh rằng nước mía mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho con người đặc biệt là vào mùa hè.

Vì sao nước mía là thần dược giải trừ bệnh mùa hè?
Nước mía là món đồ uống rất được ưa thích vào mùa hè

Lợi ích khi uống nước mía mỗi ngày vào mùa hè

Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), trong y học cổ truyền, nước mía vị ngọt mát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt, tiểu tiện nước đỏ và rất bổ dưỡng. Chính vì thế, mía được mệnh danh là “Thanh thuốc phục mạch”.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra nước mía chứa nhiều mangan, sắt, kali, magiê và canxi. Vì vậy, loại đồ uống này là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung cho cơ thể các chất điện phân bị mất. Ngoài ra, do có chứa nhiều kiềm trong thành phần nên nước mía có thể ngăn ngừa ung thư đặc biệt là ung thư đại tràng, ung thư phổi và ung thư vú.

Nước mía cũng rất giàu glucose giúp bù lại năng lượng bạn bị mất vì thời tiết nắng nóng. Nếu thường xuyên làm việc ngoài trời vào mùa hè, hãy thưởng thức 1 ly nước mía mát lạnh, giàu dinh dưỡng để bù năng lượng cho cơ thể.

Vì sao nước mía là thần dược giải trừ bệnh mùa hè?
Không chỉ là món đồ uống ưa thích, nước mía còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Bài thuốc hữu hiệu từ cây mía

Không chỉ là thứ cây giải khát mùa hè, mía còn được đưa vào hàng loạt bài thuốc cổ truyền như:

Chữa đái rắt, đái buốt, đục, viêm đường tiết niệu: Mía 1 khúc (300g), mã đề 200g (cả cây), râu ngô 150g. Mía lùi sơ, rửa sạch, cắt khúc chẻ nhỏ. Cho các thứ vào sắc uống.

Nứt kẽ môi miệng: Lấy nước mía bôi ngoài, uống trong. Hoặc vỏ mía đốt tồn tính trộn ít mật ong bôi vào.

Chữa ngộ độc: Thân mía 80g, thục địa, ý dĩ, cam thảo bắc mỗi thứ 30g, lá tre, kim ngân, rễ cỏ tranh, rễ ngưu tất, mỗi thứ 20g. Cho vào một lít nước, nấu sôi rồi đun lửa nhỏ 15 - 20 phút, uống nóng hoặc để nguội tùy theo sở thích mỗi người. Cũng có thể chữa ngộ độc bằng cách lấy thân cây mía giã nát cùng với rễ cỏ tranh, ép lấy nước, đun sôi trộn với nước dừa mà uống.

Chữa khí hư: Lá cây mía tím 30g, lá huyết dụ 30g, hoa mò đỏ 20g, rễ mò trắng 80g. Tất cả các vị trên thái nhỏ, sao vàng rồi sắc lên uống hàng ngày.

Mặc dù nước mía rất tốt tuy nhiên theo các chuyên gia đông y cũng khuyên mọi người không nên uống triền miên với số lượng nhiều. Những đối tượng cần tránh xa nước mía bao gồm người già, trẻ em dưới 4 tuổi và bệnh nhân béo phì, tiểu đường do không thể chuyển hóa lượng đường có trong loại nước này.

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN