Liên quan đến vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, xảy ra tại huyện Vĩnh Tường, tháng 6/2019, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp để tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.
Trong vụ án này, 4 thành viên của đoàn thanh tra gồm: Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1975, Phó trưởng Phòng Phòng chống tham nhũng) là Trưởng đoàn; Đặng Hải Anh (SN 1981, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2); Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1977, cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3) và Nguyễn Thùy Linh (SN 1994, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra) cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ thu thập được, bà Kim Anh đã gặp, bàn bạc riêng với từng người để thống nhất việc thu tiền doanh nghiệp và ăn chia số tiền thu được trong quá trình thanh tra trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Chân dung bà Kim Anh. Ảnh: PLO
Cụ thể, khoảng giữa tháng 4/2019, sau buổi công bố quyết định thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường khoảng 2-3 ngày, nữ trưởng đoàn thanh tra đã gặp riêng ông Hải Anh tại trụ sở Thanh tra Bộ Xây dựng.
Cả 2 đi đến thống nhất, đối với các nhà thầu thi công kiểm tra về khối lượng, giá trị thanh quyết toán sẽ do Hải Anh kiểm tra. Khi phát hiện vi phạm, nếu họ đến giải trình, xin giảm nhẹ hoặc bỏ qua lỗi vi phạm thì ông Hải Anh sẽ tự quyết định số tiền phải nộp theo tỷ lệ % số tiền trên giá trị hợp đồng.
Sau đó, Hải Anh sẽ báo cáo lại cho bị can Kim Anh biết (không ấn định tỷ lệ % tiền thu của các nhà thầu) về các trường hợp vi phạm và số tiền đã thu.
Theo quy định nếu phát hiện vi phạm, thành viên đoàn thanh tra chỉ được phép lập biên bản kiểm tra, xác minh ghi nhận. Tuy nhiên vì mục đích đe dọa, ép doanh nghiệp phải nộp tiền, Kim Anh tự ý đưa thêm nội dung "yêu cầu các đơn vị có vi phạm nộp lại toàn bộ tiền đã ký hợp đồng" vào biên bản. "Đây là nội dung áp đặt mang tính chủ quan", cáo trạng nêu.
Nhà chức trách xác định có lần Thuỳ Linh soạn thảo biên bản làm việc không đưa nội dung thu hồi tiền vi phạm nhưng Kim Anh lập tức sửa lại thành "thu hồi tiền". Linh biết rõ trưởng đoàn làm vậy để buộc các doanh nghiệp phải chi tiền song không phản đối.
Với khối lượng, giá trị thanh toán các công trình, Kim Anh cùng cấp dưới không kiểm tra thực tế hiện trường thi công mà chỉ dựa vào hồ sơ để lập biên bản. Đoàn thanh tra sau đó nêu ra các lỗi vi phạm về điều kiện năng lực thi công, vệ sinh lao động... để kiến nghị đình chỉ xây dựng với doanh nghiệp 3-12 tháng và xử phạt vi phạm hành chính, VNE cho hay.
Do không hiểu biết pháp luật và sợ bị xử lý nặng như thanh tra hù doạ nêu trong dự thảo biên bản làm việc, nhiều doanh nghiệp đã đến gặp để giải trình. Kim Anh và Hải Anh nói "muốn bỏ qua lỗi vi phạm thì phải đưa tiền cho đoàn thanh tra", nếu không "sẽ bắt đến tận trụ sở Thanh tra Bộ Xây dựng ở Hà Nội để giải trình".
Sau khi ép được doanh nghiệp nộp tiền, Kim Anh gặp từng thành viên đoàn thanh tra để thống nhất về việc thu tiền và tỉ lệ ăn chia. Bà giao cho Hải Anh tự quyết định số tiền thu của các nhà thầu, đơn vị thi công song phải nộp dựa theo tỷ lệ % giá trị hợp đồng. Quá trình thanh tra, Hải Anh thường yêu cầu các nhà thầu nộp từ 1 đến 5% giá trị thi công vi phạm.
Đối với Thùy Linh, bà Kim Anh không bàn bạc trước. Tuy nhiên khi các đơn vị do Thùy Linh kiểm tra có vi phạm thì Kim Anh trực tiếp đến làm việc yêu cầu nộp 5% giá trị hợp đồng với nhà thầu tư vấn. Mức 0,15% giá trị hợp đồng áp dụng với nhà thầu thi công.
Trong những lần đưa ra số tiền doanh nghiệp phải nộp, Kim Anh và Hải Anh đều viết ra giấy hoặc đánh số tiền trên máy tính cá nhân sau đó đưa cho họ xem rồi xóa đi. Hai bị can rất ít khi nói ra lời để tránh việc bị ghi âm.
Sau mỗi lần nhận tiền của các doanh nghiệp, Kim Anh chỉ đạo đồng phạm cùng tham gia bóc phong bì, kiểm đếm số tiền và ăn chia ngay tại phòng làm việc đặt tại UBND huyện Vĩnh Tường. Vỏ phong bì được xé nhỏ, phi tang vào bồn cầu.
Một điểm rất đáng chú ý trong vụ án này, ban đầu Kim Anh cùng các đồng phạm bị khởi tố về tội nhận hối lộ - theo luật hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng về sau được chuyển tội danh sang lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản - hình phạt cao nhất là chung thân.
Vậy lý do gì khiến cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc thay đổi quan điểm buộc tội với các bị can như trên?
“Không có đơn vị nào đưa tiền cho các bị can liên quan đến việc kiểm tra công tác quy hoạch, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và các dự án đầu tư xây dựng do UBND huyện hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư” – cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Cơ quan công tố cho rằng Kim Anh cùng đồng phạm đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền đặc biệt lớn.
Từ những căn cứ này, VKS truy tố nhóm bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội nhận hối lộ.
Đối với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng, VKS đề nghị tạm giữ và truy thu hơn 1,3 tỉ đồng để trả lại cho các bị hại đã trình báo tới cơ quan điều tra và đã được làm rõ. Hơn 800 triệu đồng còn lại, do không có ai trình báo, chỉ xuất phát từ lời khai của các bị can, không có căn cứ chứng minh, nên VKS đề nghị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Ở một diễn biến khác, khi trả lời về vấn đề nêu trên, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho PLO biết ban đầu Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội nhận hối lộ.
Dù vậy, quá trình điều tra xác định hành vi của các bị can không cấu thành tội danh này mà liên quan đến hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Do đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thay đổi tội danh.