Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:53
RSS

Vì sao làm cha mẹ sẽ được coi là 'nghề đặc biệt'?

Thứ bảy, 16/11/2019, 07:09 (GMT+7)

Nếu cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, thậm chí đẩy trẻ đối diện với nhiều nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, bắt cóc...

Vì sao làm cha mẹ sẽ được coi là nghề đặc biệt

Cha mẹ chơi với trẻ không chỉ gắn kết yêu thương mà còn giúp trẻ phát triển trí thông minh và hoàn thiện nhiều kĩ năng quan trọng trong cuộc đời. Ảnh minh họa

Làm cha mẹ là một "nghề đặc biệt"

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội (Hội LHPN Việt Nam) cho rằng, làm cha mẹ là một "nghề đặc biệt", một công việc thiêng liêng, với nhiều yêu cầu khác nhau, không phải đơn thuần từ bản năng mà cần được giáo dục đào tạo, hướng dẫn cả về kiến thức lẫn kỹ năng.

Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, trước khi bước vào hôn nhân hầu như thanh niên chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để làm cha, mẹ. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, cha mẹ cũng thường thiếu thông tin khoa học và thiếu sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển của con cái.

Kiến thức, kỹ năng của cha mẹ về đặc điểm, nhu cầu phát triển của con, cách tác động phù hợp đến trẻ, tạo cơ hội cho trẻ phát triển, cũng như ảnh hưởng của việc làm cha mẹ đối với kết quả phát triển của trẻ còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình ở Việt Nam phải đối phó với điều kiện khó khăn như nghèo đói, bệnh tật, bạo lực... đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc vận dụng kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ vào thực tế. Việc cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ em ảnh hưởng lớn dẫn đến sự phát triển của trẻ, thậm chí đẩy trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, bắt cóc...

Điển hình như vấn đề bạo hành trẻ em ngay trong gia đình, kết quả khảo sát của tổ chức UNICEF trên 30 quốc gia cho thấy có tới 3/4 trẻ em trong độ tuổi 2 - 4, tương đương khoảng 300 triệu em đã phải hứng chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý hoặc bị trừng phạt về thể xác. Với trẻ ở tuổi vị thành niên, 68,4% trẻ em từ 1 – 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình. Đây là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cả về thể chất, tinh thần cho trẻ.

Nhận thức được tầm quan trọng về việc trang bị, cung cấp kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ chính là đầu tư quan trọng vào thế hệ tương lai của đất nước, trong thời gian qua, các tổ chức quốc tế các ban ngành, Hội LHPN các cấp, các đoàn thể đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình/mô hình hướng đến giáo dục kỹ năng làm cha mẹ.

Trong đó, nhiều mô hình giáo dục làm cha mẹ tốt đã được nhân rộng, điển hình như "Mô hình Giáo dục cha mẹ"; "Mô hình nhóm cha mẹ"; Mô hình "Giáo dục tiền hôn nhân"; tổ chức thực hiện " Đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt"…

Tuy nhiên, các chương trình giáo dục làm cha mẹ hiện nay còn nhỏ lẻ, chưa mang tính hệ thống, chưa được tích hợp trong các chính sách quốc gia và địa phương. Vì vậy, tỷ lệ cha mẹ từng được tham gia vào các chương trình hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc nuôi dạy con mang tính bài bản còn rất thấp, chỉ chiếm dưới 20%. Cùng với đó, công tác phối hợp đa ngành vào xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ làm cha mẹ cũng còn hạn chế, điều này gây khó khăn trong huy động nguồn lực cho chương trình.

Nhìn nhận về Chương trình này, TS Vương Thị Hanh – Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ cho biết, gia đình là đối tượng quan trọng nhất trong giáo dục trẻ em vì các em thường gắn với gia đình đầu tiên.

Cha mẹ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, là người yêu thương, chăm sóc trẻ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu đời, là bạn và là người thầy đầu tiên của trẻ, hướng dẫn trẻ các quy tắc và kỹ năng ứng xử, kỷ luật tích cực để trẻ trở thành công dân có ích sau này.

Một chương trình quốc gia giáo dục cha mẹ là rất cần thiết để chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em. Lâu nay chưa có một chương trình nào nói về vai trò của cha mẹ trong vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trẻ không được chăm sóc, phát triển đầy đủ.

Đây sẽ là chương trình tổng thể nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi tích cực của cha mẹ cũng như huy động sự tham gia của các Bộ, ban ngành cùng hướng đến mục tiêu chăm sóc và phát triển trẻ em toàn diện. Việc giáo dục cha mẹ sẽ giúp cho các bậc cha mẹ quan tâm đến vai trò của mình và hướng tới cải thiện kỹ năng làm cha mẹ tốt hơn.

Theo đó, khi cha mẹ áp dụng hành vi tích cực trong chăm sóc, giáo dục con trong gia đình tốt thì trẻ cũng sẽ tốt. Việc giáo dục cha mẹ còn giúp cho cha mẹ biết kết nối giữa gia đình, cộng đồng và nhà trường trong việc chăm sóc và dạy dỗ con.

Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ

Với vai trò của tổ chức Hội trong công tác Gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chủ trì xây dựng dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ giai đoạn 2020-2030 để trình Thủ tướng phê duyệt nhằm hướng tới mục tiêu nhằm hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc trẻ trực tiếp có đủ kiến thức, thái độ, kỹ năng về chăm sóc ý tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em góp phần phát triển trẻ em toàn diện.

Hội thảo tham vấn dự thảo chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ giai đoạn 2020-2030 tổ chức ngày 8/11 vừa qua do Hội LHPN Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, chuyên gia liên quan đến lĩnh vực giáo dục làm cha mẹ, công tác trẻ em… đã cùng nhau góp ý, thảo luận để hoàn thiện dự thảo Chương trình.

Chương trình Quốc gia về Giáo dục làm cha mẹ được xây dựng nhằm giúp cha mẹ và người chăm sóc trực tiếp có đủ kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ phù hợp với các mốc phát triển từ 0 đến 16 tuổi, góp phần hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em.

Chương trình hướng đến một số mục tiêu cụ thể với cha mẹ, người chăm sóc trẻ trực tiếp có con từ 0 đến 16 tuổi: 60% được thông tin về nội dung chương trình giáo dục làm cha mẹ và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình; 50% được tiếp cận, tập huấn, cung cấp, hỗ trợ thông tin, kiến thức và kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ phù hợp theo từng giai đoạn tuổi; 40% được tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về định hướng nghề nghiệp cho trẻ em; có ít nhất 30% nam nữ trong độ tuổi kết hôn được tham gia tập huấn và cấp giấy chứng nhận về giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ…

Dự kiến thời gian và lộ trình thực hiện Chương trình từ 2020 đến 2030. Trong đó 5 năm đầu xây dựng và triển khai thí điểm tại 3-5 tỉnh/thành phố; đánh giá kết quả thí điểm và nhân rộng ra toàn quốc. Những năm còn lại triển khai rộng trên toàn quốc; đề xuất chính sách từ kết quả triển khai Chương trình.

Phương Thuận
Theo Gia đình & Xã hội