Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:09
RSS

Vì sao không nên để trẻ thiếu ngủ trong những ngày Tết?

Thứ tư, 06/02/2019, 07:15 (GMT+7)

Ngày Tết, giấc ngủ của trẻ có thể bị đảo lộn do di chuyển quá nhiều​. Điều này có thể khiến trẻ thiếu ngủ, cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi...

Vì sao không nên để trẻ thiếu ngủ trong những ngày Tết?
Ngày Tết, giấc ngủ của trẻ có thể bị đảo lộn do di chuyển quá nhiều​ 

Kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi kéo dài 9 ngày cùng nhiều hoạt động diễn ra liên tục. Trong các chuyến về quê hay đi du lịch thì việc bắt trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc dường như trở thành chuyện bất khả thi. Nhưng nếu thiếu ngủ bé sẽ trở nên “xấu tính”, quấy khóc...

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc sẽ tiết ra những chất hóa học gây mất cân bằng như Cortisol, progesterone,... Chúng làm trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Những trẻ thường xuyên ở trong tình trạng này sẽ phát triển trí não chậm hơn so với các trẻ khác.

Theo Ths.Bs Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam để có được những giấc ngủ ngon trong những ngày Tết,  cha mẹ hãy thử thực hiện một số cách sau:

Giữ cho bé cảm thấy an toàn như ở nhà

Cho bé có cảm giác như ở nhà kể cả khi đi du lịch hay về ở nhà ông bà, họ hàng trong những ngày lễ Tết. Hãy mang theo cho trẻ cuốn sách yêu thích, đồ chơi và chiếc chăn quen thuộc gắn liền với giấc ngủ trưa và ngủ tối của bé.

Chọn nơi ngủ phù hợp với bé nhất có thể

Lựa chọn giường hoặc phòng ngủ phù hợp nhất có thể tại nơi về nghỉ Tết như: nhà ông bà, họ hàng hay khách sạn nơi bạn nghỉ. Mua một chiếc nôi ngủ du lịch tốt với tấm nệm thoải mái sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu và ngon giấc khi di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau. Với các bé nhỏ hơn, có thể mang theo xe đẩy, vừa có thể giảm bớt gánh nặng của bạn trong việc bế bồng bé, vừa có thể giúp bé tranh thủ ngủ được khi bố mẹ đẩy bé đi dạo.

Cho bé hoạt động thật nhiều vào ban ngày

Hãy cho bé tham gia thật nhiều vào các hoạt động ngoài trời, cùng với mọi người và đừng nên đi quá xa khỏi nơi bạn sẽ nghỉ vào buổi tối để giúp bé thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ ban đêm.

Các hoạt động ban ngày xoay quanh lịch trình ngủ: Kế hoạch hoạt động hàng ngày của cả nhà hãy xoay xung quanh lịch trình giấc ngủ của bé. Nếu có thể, nên để trẻ ngủ ít nhất một lần vào ban ngày, trong nôi du lịch hoặc giường nơi bé sẽ ngủ vào ban đêm.

Vì sao không nên để trẻ thiếu ngủ trong những ngày Tết?
Trẻ thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc sẽ tiết ra những chất hóa học làm cho trẻ cáu gắt

Đảm bảo đủ thời gian ngủ tốt nhất có thể cho trẻ

Với những trẻ sơ sinh đến 5 tuổi thì giấc ngủ trong những ngày Tết càng quan trọng hơn. Sau một ngày bận rộn đi chúc Tết họ hàng, đi chơi ... không chỉ bé mà ngay cả người lớn đều rất mệt mỏi, nên việc cho bé đi ngủ đúng giờ là vô cùng cần thiết. Việc đi ngủ muộn sẽ khiến cho trẻ ngủ không được sâu giấc, dễ trở mình ban đêm, thức dậy trễ vào sáng hôm sau và mệt mỏi, cáu kỉnh. Trong ngày, hãy tranh thủ thời gian để xắp xếp những giấc ngủ hoặc khoảng nghỉ ngơi ngắn cho cả bé và cha mẹ.

Trẻ ở lứa tuổi từ 6-15 cũng nên duy trì một thói quen ngủ gần giống với thường ngày, không nên cắt giảm quá nhiều thời gian ngủ của trẻ. Có thể đi ngủ trễ hơn 1 chút nhưng đừng quá muộn hoặc ngủ nướng nhiều quá vào ngày hôm sau. Điều quan trọng là cha mẹ cần tính toán thời gian, linh động để sao cho con được ngủ đủ giấc nhất có thể. Như vậy sẽ dễ dàng đánh thức trẻ vào buổi sáng hôm sau và bắt đầu một ngày mới đi chơi Tết vui vẻ.

Hạn chế cho bé ngủ lúc di chuyển

Vào những ngày lễ Tết, việc phải di chuyển liên tục và vận động mạnh làm bé nhanh mệt và dễ ngủ quên trên xe khi đang di chuyển. Tuy nhiên, ngủ trong tình trạng mọi thứ không ổn định, chuyển động và lắc lư nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé, khiến bé ngủ không sâu và khó ngủ lại khi đã tình dậy. 

Thay vì để con ngủ trên xe, cha mẹ nên cố gắng nói chuyện, chơi với con để con không thiếp đi hoặc để bé ngủ đủ giấc trước khi đi chơi. 

Những mẹo nhỏ  giúp bé ngủ tốt hơn trong ngày Tết 

- Đảm bảo thời gian ngủ của bé gần giống như ngày thường, giữ giấc ngủ trưa, giờ đi ngủ buổi tối, giờ thức dậy buổi sáng.

- Cố gắng duy trì thói quen trước khi đi ngủ của bé, như: dùng nhạc quen thuộc để dỗ bé (mang theo những loại nhạc quen thuộc mà bố mẹ thường cho bé nghe trước khi bước vào giấc ngủ), đọc truyện hoặc kể câu chuyện quen thuộc trước khi đi ngủ, mặc bộ quần áo ngủ quen thuộc…sẽ giúp bé dễ đi vào giấc ngủ hơn.

- Không để bé chơi quá nhiều và nhắc bé đi ngủ đúng giờ. 

- Không nên cho bé ăn quá no hoặc những thứ khó tiêu, dễ làm bé thức dậy giữa đêm. 

- Hạn chế tiếng ồn, ánh sáng để tránh tình trạng gắt ngủ ở bé. 

Nếu buộc phải đi xa, cha mẹ nên cân nhắc đi ngắn ngày để ít ảnh hưởng tới thói quen ngủ của bé.  

Diệp Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN