Thời gian gần đây, khắp các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã và đang diễn ra tình trạng giá đất bất ngờ tăng mạnh, thậm chí có một số nơi tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, sau khi Hà Nội đưa ra thông tin về việc tháng 6 tới đây sẽ công bố Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng đã khiến giá đất các nơi tăng "dựng đứng". Không chỉ Hà Nội mà các tỉnh, thành phố khác như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quy Nhơn… cũng chứng kiến cơn "sốt đất" đang diễn ra.
Tại buổi tọa đàm "Bất động sản mùa Xuân lần thứ 1" do Reatimes tổ chức vừa diễn ra, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mặc dù COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng thị trường bất động sản (BĐS), giá BĐS vẫn "sốt". Một số tỉnh thành giá BĐS không giảm mà còn tăng ngược lại.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, có 2 nguyên nhân khiến "sốt đất" diễn ra mạnh mẽ đó là kênh đầu tư BĐS vẫn rất hấp dẫn và nguồn cung BĐS tại một số địa phương, thành phố lớn còn thiếu hụt.
"Đáng chú ý, "sốt đất" không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng...", ông Nguyễn Mạnh Hà chỉ rõ.
Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng đưa ra lập luận, làn sóng "sốt đất" xuất hiện chủ yếu do thông tin quy hoạch như: sân bay, đường cao tốc, dự án của doanh nghiệp lớn… Mặc dù cơn "sốt đất" chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã tàn phá nền kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân.
Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, trong những cơn "sốt đất", ngoài những cái lợi vẫn tiềm ẩn thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông.
TS. Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cho rằng, cần cảnh giác với câu chuyện "sốt đất" nền bởi đây là nguồn cơn khiến giá BĐS tăng.
Ông Nghĩa nói: "Chúng tôi đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, dù không quá căng thẳng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát giá đất nền".
GS. Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại chỉ ra những bất cập của Luật Đất đai, những bất cập đó chưa được sửa đổi đã gây nên những "ách tắc" đối với các hoạt động trong lĩnh vực BĐS.
GS. Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
"Hiện nay Luật Đất đai còn rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ", GS. Đặng Hùng Võ nói.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ bởi tình trạng "sốt đất" xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở đô thị, không đưa vào thương mại.
"Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào bất động sản để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế", GS. Đặng Hùng Võ nói.