Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:47
RSS

Vì sao chủ tịch Hà Nội đề xuất tăng thời gian cách ly?

Thứ ba, 07/04/2020, 06:59 (GMT+7)

Tránh trường hợp như BN 243 có thời gian ủ bệnh 23 ngày, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị, tất cả trường hợp nghi cách ly tập trung xong 14 ngày, các phường ra thêm quyết định cách ly tại nhà 14 ngày.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 6/4 đã chủ trì họp giao ban Quý I và Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố. Theo ông Chung, từ khi tình hình dịch bệnh chuyển sang giai đoạn 2 đến nay (từ 6/3-PV), Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhân nhất, kể cả trừ đi các ca bay về từ nước ngoài thì vẫn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất.

Ông Chung phân tích, trong 1 tháng qua có 96 ca nhiễm. Theo đó, nhóm phát hiện dương tính từ nước ngoài trở về qua sân bay không đáng lo ngại vì đã kiểm soát được. Nhóm thứ 2 là những ca nhiễm chéo ở bệnh viện và ngoài xã hội Thứ ba là số ca nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai.

“CDC Hà Nội xét nghiệm sàng lọc các trường hợp trên chuyến bay từ Moscow về phát hiện 1 trường hợp 35 tuổi, ở Hà Tĩnh, đang cách ly tại khu KTX của Đại học FPT nhập cảnh ngày 25/3. Xét nghiệm lần đầu âm tính nhưng lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính. Một bệnh nhân nữa, 47 tuổi, ở Mê Linh đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3, ngày 4/4, Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu và gửi CDC xét nghiệm, ngày 6/4 có kết quả dương tính, như vậy là 23 ngày”, ông Chung nói.

Xuất hiện thêm ca mắc Covid-19, Hà Nội đề xuất tăng ngày cách ly
Ảnh minh họa. Nguồn Tiền phong. 

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã từng nêu nhiều trường hợp như ở Hàn Quốc ủ bệnh 27 ngày, Mỹ là 22,5 ngày, Vũ Hán (Trung Quốc) dài nhất là 39 ngày. Lấy ví dụ về trường hợp ở Mê Linh dương tính SARS-CoV-2 sau 23 ngày đến Bệnh viện Bạch Mai, ông Chung yêu cầu với tất cả trường hợp cách ly tập trung xong 14 ngày, các phường ra quyết định cách ly tại nhà thêm 14 ngày. 

“Yêu cầu họ phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, không tiếp xúc với người thân để hạn chế nguy cơ”, ông Chung nói. Ông Chung cũng cho rằng, có những trường hợp 1- 2 lần xét nghiệm đầu âm tính, nhưng đến lần thứ 3 dương tính. Vì thế, các trường hợp F1 hết 14 ngày cần tiếp tục kéo dài thời gian cách ly. Các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai và bệnh nhân 237 cách ly tại nhà đến hết ngày 15/4, thậm chí kéo dài đến 20/4.

Chiều 6/4, buổi họp giao ban với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, báo Dân sinh đưa tin.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện cách ly toàn xã hội là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ông đề nghị các bộ, ngành cùng thảo luận và xem xét việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.

"Từ nay đến hết ngày 15, chúng ta không được chủ quan trong phòng, chống dịch. Bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị 15, 16, chúng ta cần có những biện pháp chủ động hơn để phục hồi kinh tế sau dịch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Từ góc độ cá nhân, lãnh đạo Chính phủ cho rằng việc cách ly xã hội là cần thiết trong giai đoạn này và vẫn nên tiếp tục. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh giai đoạn này cần tập trung, không chủ quan vì vẫn còn ca nhiễm, còn ca chưa tìm rõ nguyên nhân và còn tình trạng lây lan trong cộng đồng.

Nhận định đây là biện pháp quan trọng để khống chế Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện.

Theo ông Long, dự kiến thời gian tới số ca nhiễm không tăng nhanh mà chỉ xuất hiện một số trường hợp do thực hiện nghiêm túc cách ly toàn xã hội. "Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, hiện chưa có người tử vong", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Tính đến 6h ngày 7/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là  245 trường hợp (153 người từ nước ngoài chiếm 62,4%; 92 người lây nhiễm thứ phát trong đó 62 người thuộc ổ dịch nội địa). Số người cách ly là 85.295 trường hợp.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN