Chủ nhật, 19/01/2025 | 19:20
RSS

Vì sao bệnh nhi mắc chân tay miệng ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc?

Thứ năm, 11/10/2018, 15:03 (GMT+7)

Tính đến đầu tháng 10, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Vậy tại sao khu vực này lại nhiều trẻ mắc và bị nặng hơn?

Tình hình bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp

Vì sao bệnh nhi mắc chân tay miệng ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc?
Hình ảnh tại buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh đông xuân. Ảnh: báo Chính phủ.

Mới đây, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt thông tin cho báo chí về tình hình các dịch bệnh trong cả nước thời gian vừa qua.

PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)  cho biết, tính đến đầu tháng 10/2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp thiệt mạng tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với năm 2017, số ca mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.

Tuy nhiên, do tình hình bệnh diễn biến khá phức tạp, một số tỉnh, thành phố có số ca mắc bệnh cao, tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội

Theo TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) các tuýp virus chủ yếu là EV71 (chiếm 21%), các EV khác là 20%, Coxsackie A10 là 6%, Coxsackie A6 là 3%, virus đường ruột khác là 4%.

Trong đó, đáng chú ý, EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây thiệt mạng cho trẻ dưới 5 tuổi.

Vì sao số ca mắc tại miền Nam nhiều hơn miền Bắc?

Vì sao bệnh nhi mắc chân tay miệng ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc? 2
Số ca nhập viện tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM) do bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở mức báo động. Ảnh: Tiền phong.

Theo chia sẻ của bác sĩ Trương Hữu Khanh trên Tri thức trực tuyến, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM lý do tình hình dịch bệnh tay chân miệng năm nay có sự gia tăng mạnh hơn ở khu vực TP.HCM nói chung, miền Nam nói riêng là chủng virus EV71 quay lại, trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó. Hiện tại, chủng virus này được ghi nhận nhiều nhất trong số ca mắc.

Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.

Theo bác sĩ Khanh, sự quay lại của virus đó có tính chu kỳ, khó dự đoán. Việc chúng ta cần làm bây giờ là kiểm soát chúng. Ngoài ra, với dân số cao hơn, lượng trẻ em cũng nhiều hơn nên số ca mắc nhiều hơn khu vực miền Bắc là điều dễ hiểu.

Bác sĩ Khanh cũng lưu ý các bậc phụ huynh:"Trẻ mắc tay chân miệng vẫn có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà như cần lưu ý". Khi trẻ có triệu chứng sốt và nổi nốt nên đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để loại trừ nguyên nhân mắc các bệnh khác.

Nếu như trẻ mắc bệnh nhẹ không có biến chứng nên chăm sóc trẻ tại nhà. Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao và thuốc sát khuẩn ngoài da bôi lên các nốt phổng để tránh bội nhiễm. Vệ sinh miệng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn. Nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, bù nước khi trẻ bị sốt.

Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường sốt cao không dứt, nốt phỏng nhiều, trẻ li bì, chân tay lạnh… thì cần phải đưa trẻ nhập viện ngay.


Xem thêm Clip: Những dấu hiệu để cha mẹ ngay lập tức nhận ra căn bệnh chân tay miệng vô cùng nguy hiểm ở trẻ

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN