Theo báo Sức khoẻ & Đời sống, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, Khoa Cấp cứu bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp uống 40 viên thuốc paracetamol.
Cụ thể, bệnh nhân là em N.N.L. (sinh năm 2008), trú tại quận 3, TP.HCM. Qua lời kể của người nhà, những ngày trước đó em vẫn tham dự tiệc với người thân như bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ em L. đang bận đi công tác ở xa.
Khoảng 3 giờ trước khi vào bệnh viện, em L. đã đóng cửa một mình trong nhà. Em thông báo với bà nội qua điện thoại vì buồn nên đã uống 40 viên thuốc paracetamol loại 500 mg. Phát hiện kịp thời nên người thân đưa L. đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Thời điểm nhập viện, em L. hơi mệt, lơ mơ, chưa rơi vào hôn mê. Các bác sĩ khoa Cấp cứu ngay lập tức súc rửa dạ dày, ra sức cứu chữa và giữ được mạng sống cho nam sinh này. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã được chuyển sang khoa Nội tổng hợp và tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, chức năng gan bị ảnh hưởng.
Ảnh minh hoạ
Như VietNamnet đưa tin, trước đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cũng cấp cứu một bệnh nhân 27 tuổi tự tử bằng 80 viên thuốc an thần. Thanh niên này có tiền sử trầm cảm, bỏ điều trị 1 năm và gặp bế tắc do không xin được việc làm sau dịch. Trải qua 3 ngày lọc máu hấp phụ, bệnh nhân mới thoát cơn nguy kịch.
Các bác sĩ cảnh báo, việc tự ý sử dụng thuốc paracetamol quá liều và không có sự kiểm soát của bác sĩ là vô cùng nguy hiểm. Hành động này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm, đặc biệt là trong thời gian qua, các hoạt động vui chơi và học tập bị hạn chế do dịch bệnh khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến những hành động bộc phát, bồng bột.
Do đó, cha mẹ và người thân nên dành thời gian để quan tâm con, chơi với con nhiều hơn. Từ đó kịp thời tiếp cận các vấn đề thầm kín của con từ trong học tập đến các vấn đề xã hội giúp con đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.