Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:02
RSS

Tuyển sinh năm 2022: Phụ huynh lo con học online thua thiệt so với các bạn học trực tiếp

Thứ ba, 30/11/2021, 07:31 (GMT+7)

Hơn nửa học kỳ đã trôi qua nhưng vẫn phải học online, nhiều phụ huynh lo lắng con em mình sẽ thua thiệt hơn so với những bạn học trực tiếp ở các tỉnh khác.

Chị Nguyễn Thị Hoa Chi, phụ huynh có con học tại Trường THPT Kim Liên, Hà Nội bày tỏ: "Gia đình rất vui vì vừa qua thành phố đã có chủ trương cho học sinh THPT được tiêm chủng để sớm trở lại trường học. 

Việc học ở nhà của các con đến thời điểm hiện tại vẫn ổn vì bạn nào cũng nỗ lực rất nhiều. Thế nhưng dù thế nào cũng không thể học tốt bằng học trực tiếp. Bên cạnh đó, thấy nhiều tỉnh thành cho học sinh đến trường đi học, tôi rất lo kỳ tuyển sinh đại học của con sắp tới. Hiện tại thành phố đang mở cửa dần và có các biện pháp sống chung với dịch covid-19 tuy nhiên, để an toàn cho học sinh thì nên đợi sau khi các con được tiêm 2 mũi vaccine mới nên cho đi học trở lại".

Tuyển sinh năm 2022: Phụ huynh lo con học online thua thiệt so với các bạn học trực tiếp

Học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên, Hà Nội trong ngày tiêm vaccine. Ảnh: Tào Nga

Không chỉ có chị Hoa Chi, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội có con đang học lớp 12 cũng khá lo lắng khi kỳ tuyển sinh đại học đang bắt đầu rục rịch. "Nhiều phụ huynh đã có kế hoạch cho con thi gì, trường nào, phương thức ra sao... khiến tôi khá lo lắng. Hiện tại con học online nên chỉ tương tác với giáo viên qua thiết bị điện tử, bố mẹ thì không có kiến thức để kèm cặp, chỉ dạy cho con từng bài... Không biết thi tốt nghiệp sắp tới sẽ ra sao nếu Bộ GDĐT tiếp tục ra đề dễ, điểm thi cao. Chắc chắn trong cuộc cạnh tranh này, nhiều thí sinh các tỉnh thành đi học trực tiếp có thể sẽ vượt lên, chưa nói đến việc các em có thêm điểm cộng".

Nhiều phụ huynh khác cũng có chung tâm trạng và hy vọng tình hình dịch bệnh sớm ổn định, học sinh tiêm xong vaccine có thể đến trường học thay vì học ở nhà với nhiều cám dỗ xung quanh. 

Phụ huynh, học sinh không nên quá lo lắng

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Ths Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên bày tỏ, với thông tin tháng 12 học sinh Hà Nội đi học lại, đây là một tin vui, đáng mong đợi vì 7 tháng nhà trường không có hoạt động trực tiếp của giáo viên và học sinh.

"Kế hoạch dạy học nhà trường đã xây dựng từ đầu năm với phương án dạy online hoặc trực tiếp. Sắp tới, ngay sau khi học sinh quay trở lại trường, giáo viên sẽ rà soát lại kiến thức cho học sinh cũng như quan tâm đến từng em để biết trường hợp nào học tốt, trường hợp nào học chậm hơn, thiếu hụt kiến thức từ đó sẽ có kế hoạch phụ đạo", bà Hiền chia sẻ thêm. 

Ths Hiền nhận xét, học trực tuyến gặp khó khăn nhưng với nhiều học sinh Trường THPT Kim Liên lại có nhiều ưu điểm vì các em có ý thức tự học, tự quản lý thời gian, kỷ luật. Giáo viên soạn bài giảng kỹ lưỡng cùng với phần mềm học liệu sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức đầy đủ hơn. Việc học tập hiện tại chưa có nhiều lo lắng nhưng nếu học online kéo dài thì phần ôn luyện về sau sẽ gặp khó khăn vì giáo viên không thể quan sát trực tiếp để giúp đỡ học sinh".

"Đối với học sinh khối 12, nhà trường chú ý kế hoạch ôn thi tốt nghiệp, định hướng chọn trường đại học, phương án tuyển sinh đại học. Nhà trường sẽ tổ chức hướng nghiệp, mời các trường đại học về tư vấn chọn nghề hoặc cho học sinh trải nghiệm 1 ngày làm sinh viên tại các trường đại học lớn sau khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp", bà Hiền chia sẻ.

Tuyển sinh năm 2022: Phụ huynh lo con học online thua thiệt so với các bạn học trực tiếp

Ths. Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" bày tỏ: "Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì hình thức học trực tuyến đảm bảo an toàn cho học sinh. So với các bạn ở nhiều tỉnh thành khác, học sinh tại Hà Nội phải học trực tuyến kéo dài nên chất lượng không được như ý, dù học sinh được giảm tải chương trình, nhưng kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sẽ không có gì thay đổi. Bởi thế việc sớm cho học sinh quay lại trường để các thầy, cô giúp củng cố lại kiến thức là hết sức cần thiết. 

Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, phụ huynh vẫn giúp các con nâng cao khả năng tự học trước, đó là điều kiện cần thiết để có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Hiện tại đã kiểm tra giữa kỳ xong, học sinh THPT nhiều nơi đã được tiêm vaccine và lịch đến trường theo dự kiến có thể là ngày 6/12, vì vậy thời gian này đủ để cho học sinh tăng tốc. Bản thân học sinh Hà Nội có nhiều ưu thế hơn các tỉnh thành, vì thế phụ huynh không nên quá lo lắng".

Anh Ngọc Phúc tư vấn thêm: "Trước khi học tập trung, các bạn đã có thời gian được học không chỉ chương trình chính khóa, nhiều bạn mua thêm khóa học nâng cao để bổ sung kiến thức, bởi thế các bạn phải lựa chọn phương án tối ưu cho mình trong các phương thức xét tuyển. Đối với phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, đây vẫn là phương thức xét tuyển chủ yếu, muốn đạt yêu cầu đòi hỏi các con nắm thật chắc kiến thức, bởi năm học tới, phương thức này sẽ chiếm khoảng 60% lượng thí sinh.

Với những bạn ở các thành phố lớn, phương thức xét tuyển có chứng chỉ IELTS là lợi thế không nhỏ, nhiều bạn đã chắc suất ngay cả khi các bạn đồng trang lứa còn không biết mình đỗ hay trượt. Vì thế các bạn có điều kiện, hãy ôn tập và thi lấy chứng chỉ để giảm áp lực không cần thiết. Thực tế trong tháng 11 vừa qua, nhiều học sinh đã thi lấy chứng chỉ IELTS dùng cho xét tuyển đại học.

Còn một lưu ý nữa, thí sinh trượt nguyện vọng đại học nhiều khi không do trình độ mà do thiếu thông tin và cách lựa chọn. Bởi thế những buổi tư vấn tuyển sinh, chọn ngành và chọn trường vô cùng quan trọng,  không thể xem nhẹ".

Tào Nga
Theo Dân Việt