Ảnh minh họa.
Tối 26/11, trong Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại và những lưu ý về tình hình dịch bệnh", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng và ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã đăng đàn trả lời những thắc mắc của người dân.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới và số ca tử vong đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố, không ít các bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng về việc cho con mình đi học trực tiếp tại trường, liệu có an toàn?
Theo nguồn báo Tiền Phong, ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, khi cho học sinh đi học lại, trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin cũng sẽ có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em.
Cũng theo ông Dũng, trong tháng 10 vừa qua, với quyết định bình thường mới và căn cứ tình hình dịch ở một số địa bàn, UBND TPHCM đã cho phép xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) thí điểm cho học sinh trở lại trường. Học sinh khối lớp 1, 2, 9 và 12 của xã này qua thời gian thực hiện học tập trực tiếp đã cho kết quả khả quan.
Cụ thể, ông Dũng cho biết thêm: “Có học sinh tiếp xúc F1, F0 nhưng trường đã xử lý tốt… Sau thời gian cách ly, chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang trực tuyến, các em tiếp tục quay lại học trực tiếp. Hiện nay, 2 trường tại xã này chuyển trạng thái rất tốt, bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19. Ngành giáo dục sẽ báo cáo UBND TPHCM đề xuất học tập trực tiếp cho các địa phương khác”.
Theo đó, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo GD-ĐT TPHCM đã tính toán các phương pháp, bộ tiêu chí bảo đảm an toàn và đã được UBND TP phê duyệt. Hiện Sở Y tế đã hoàn thành cẩm nang hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 và đã chuyển sang Sở GD-ĐT để thống nhất và sẽ phát hành sớm nhất để phát cho phụ huynh và học sinh.
Tại chương trình, có câu hỏi thắc mắc về việc xử lý các tình huống khi phát hiện có giáo viên hoặc học sinh là F0, ông Dương Trí Dũng khẳng định, khi trường học mở cửa trở lại thì việc đầu tiên phải làm là xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại trường học.
Theo đó, quy trình này được thẩm định bởi các cơ quan ban ngành có chức năng liên quan. Ngoài ra, nhà trường phải tính toán trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra nếu phải chuyển trạng thái hoạt động từ dạy trực tiếp sang trực tuyến (và ngược lại).
Ông Dũng nhấn mạnh: “Không có chuyện liên tục đóng cửa rồi lại mở cửa, sau đó lại đóng. Chỉ mở cửa khi đã thực sự an toàn”.
Trong chương trình, lãnh đạo ngành Giáo dục thừa nhận, dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên, học sinh. Từ đầu mùa dịch, ngành giáo dục TPHCM đã chỉ đạo các trường phải quan tâm đến học sinh trong các khu phong toả, cách ly, chăm sóc sức khoẻ tâm thần để tránh sang chấn tâm lý cho các em.
Theo đó,ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó GĐ Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành Y tế đã làm việc với Đại học Y dược và một số bệnh viện để có những nghiên cứu về điều trị sức khoẻ tâm lý sau dịch bệnh.
Trước đó, ngày 19/11, Chủ tịch UBND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT và các sở ngành có liên quan về kế hoạch năm học 2021-2022.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị ngành GD&ĐT phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố như sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, các trường học phải được hoàn trả, sửa sang; Phải phủ đầy đủ vắc xin cho giáo viên và học sinh từ 12-18 tuổi; Phải có quy trình xử lý các tình huống xảy ra theo các kịch bản; Từng trường, từng địa phương phải nắm rất chắc, phối hợp thật đồng bộ để xử lý bình tĩnh, hiệu quả.
Chủ Tịch UBND TP phát biểu: “Nếu giữa tháng 12, các điều kiện về cơ sở vật chất, vắc xin, kế hoạch an toàn và các điều kiện đảm bảo thì TP sẽ mở thí điểm dạy học trực tiếp cho khối lớp 9 và 12 ở những vùng tình hình dịch cho phép, những nơi thầy cô và học sinh ít xáo trộn”.
Ông Mãi cũng yêu cầu ngành GD&ĐT phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các quận huyện hoàn thiện kế hoạch hướng dẫn, tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương và thống nhất ý kiến.