Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:44
RSS

Tường trình của 'hotgirl gội đầu' thành nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk

Thứ sáu, 04/10/2019, 14:29 (GMT+7)

Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đã nhận được tờ trình xin nghỉ việc của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Thảo) - Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Ngày 4/10, đại diện Tỉnh ủy Đắk Lắk cho VTC News biết, đơn vị vừa họp để xem xét tờ trình xin nghỉ việc của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Thảo) - Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Trong tờ trình gửi Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Sa xin nghỉ việc sau đơn tố cáo bà mượn bằng cấp 3 của chị gái để làm việc. Theo bà Sa, đơn tố cáo sự việc là đúng, do đó bà nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức kỷ luật của tổ chức.

"Thời điểm xảy ra sự việc tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn. Nên tôi đã mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm. Chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác...", bà Sa viết.

Cuối tờ trình, bà Sa đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét để thôi công việc đang đảm nhiệm. Đại diện Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, theo nội dung tờ trình của bà Sa, đơn vị sẽ xem xét để đưa ra mức kỷ luật. 

Từ hotgirl gội đầu thành nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhân vật chính nói gì?
Chân dung bà Thảo. Ảnh: NLĐ

Trước đó, như Tuổi Trẻ thông tin, Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận được đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (46 tuổi, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) dùng hồ sơ giả mạo để xin việc làm, thăng tiến tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Cụ thể, tên Trần Thị Ngọc Ái Sa là tên chị gái của bà Thảo, người hiện giữ chức trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Bà Trần Thị Ngọc Thảo sinh ra và lớn lên tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm 2003, bà xin vào làm phục vụ tại Nhà khách Tỉnh ủy. Sau nhiều năm làm việc, bà được kết nạp Đảng rồi chuyển sang Văn phòng Tỉnh ủy làm việc như hiện nay.

Bà Thảo trình bày với cơ quan chức năng, do lúc đó "cần việc", và nghĩ sẽ chuyển đi nơi khác nên mượn tên chị gái (Trần Thị Ngọc Ái Sa). Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, bà Thảo nhận khuyết điểm của mình và đã có đơn xin thôi việc tại đơn vị này.

Cũng theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, bà Thảo chưa học hết THPT nhưng lấy bằng tốt nghiệp cấp III của chị gái Trần Thị Ngọc Ái Sa và lấy luôn tên của chị gái để làm hồ sơ xin việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiều năm nay.

Thông tin trên Tiền Phong cho biết, bản thân bà Sa - mà sự thật là bà Thảo, xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu, sau đó "mượn"  bằng tốt nghiệp PTTH của chị gái và có những bước thăng tiến nhanh chóng.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN