Như báo chí đã đưa tin, mới đây trên địa bàn xã Thanh Hoà, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vừa xảy ra vụ ong đốt khiến anh Lê Đình H. (SN 1997, trú tại thôn Yên Hòa, xã Thanh Hòa) tử vong. Sự việc này xảy ra khiến không ít người lo lắng vì không biết làm thế nào để nhận diện được ong vò vẽ và nên xử trí như thế nào khi bị ong vò vẽ tấn công.
Theo nguồn tin trên báo Tiền Phong, ong vò vẽ (Vespa affinis) là loài động vật không xương sống, ó bụng thon, khoang đen xen kẽ màu vàng. Chúng có đầu rộng bằng ngực, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa.
Ong vò vẽ trưởng thành có kích thước đạt đến 5,5cm, vòng eo thon ở giữa ngực và bụng, màu nâu vàng hoặc nâu trắng. Nhiều loài côn trùng bị nhầm với ong vò vẽ, trên thế giới chỉ có khoảng 20 loài ong vò vẽ được xếp theo tính hung hãn và nọc độc.
Ngòi của ong vò vẽ khác với ong mật, nó không có ngạnh, nhờ đó chúng có thể đốt nhiều lần mà không bị mất ngòi. Thức ăn chủ yếu của ong vò vẽ là các loài côn trùng khác và sâu bướm.
Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Tổ của nó hình bầu dục, màu xám. Tổ ong là nơi nuôi dưỡng trứng nên chúng rất quyết liệt trong việc bảo vệ tổ và trứng.
Thông thường tổ ong vò vẽ xuất hiện nhiều vào mùa thu, lá cây rụng và lộ ra tổ. Thời điểm này hầu hết ong vò vẽ đã chết hoặc đang chết đi, chỉ còn lại ong chúa ngủ đông và sống qua mùa đông.
Loại côn trùng này bị thu hút bởi mùi mồ hôi của người và khi thấy người chạy. Vì vậy, nếu bạn bỏ chạy, chúng sẽ đuổi theo bạn, và thường ong vò vẽ sẽ phát tín hiệu pheromone cho những con khác cùng đuổi theo.
Trao đổi với Zing, BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết nọc ong vò vẽ có chứa nhiều độc tố như Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonine, Acetylcholine, Acide phosphatase, Apamin.
Thông thường, nạn nhân bị ong vò vẽ đốt có vết hoại tử màu trắng, viền đỏ xung quanh, phù nề. Các tổn thương này tồn tại trên da từ vài ngày đến vài tuần. Nếu bị nhiều nốt đốt, cơ thể có thể bị phù nề chi hoặc toàn thân. Ong đốt vào vùng hầu họng sẽ gây phù nề, khó thở do co thắt thanh quản. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đục màng trước, áp-xe thủy tinh thể, thủng nhãn cầu, rối loạn khúc xạ... khi bị đốt vào mắt.
Vết thương do ong vò vẽ đốt không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng. Quan trọng nhất là nhanh chóng được tiêm bắp Adrenalin, truyền dịch, hỗ trợ hô hấp và lọc máu nếu diễn biến nặng.
Tiên lượng tình trạng của bệnh nhân phụ thuộc vào số lượng vết đốt, vị trí và biện pháp điều trị, bệnh nền... Thông thường, nọc độc ong vò vẽ nặng hơn các loài khác như ong vàng, ong nghệ, ong bầu...
Theo các chuyên gia chống độc, nếu bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bên cạnh việc phòng ngừa chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.
Các bước xử trí khi bị ong vò vẽ đốt như sau:
- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.
- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.
- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
- Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra lại.
Để tránh bị ong vò vẽ đốt, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên mặc quần áo có màu sắc sặc sỡ khi đi chơi, du lịch miền quê, trong rừng; không nên đến gần tổ ong, ném, phá hay lấy que chọc vào chúng.
Ngoài ra, tại khu vực sống, người dân nên phát quang những tổ ong xung quanh nhà, trong vườn. Nếu bị ong tấn công, người dân cần nhanh chóng trùm kín mặt và các phần da bị hở.