Tối 24/10, ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết trên Người đưa tin, địa bàn vừa xảy ra một vụ ong rừng đốt khiến 1 người tử vong và 10 người bị thương.
Theo đó, trưa ngày 22/10, anh Kha Văn Hằng (33 tuổi, trú bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm) lên khu vực núi ở gần bản để nhặt củi thì bất ngờ bị một đàn ong vò vẽ tấn công. Người dân đi rẫy về phát hiện đã đưa anh Hằng đi cấp cứu ở Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên, vết ong đốt quá nặng nên anh Hằng đã tử vong sau đó.
Đến ngày 23/10, 10 người thân của anh Hằng quay lại khu vực anh này bị ong đốt để lấy đồ nạn nhân đánh rơi về làm vía theo phong tục địa phương thì đàn ong lao ra tấn công khiến 10 người phải nhập viện cấp cứu, thông tin trên báo Tổ Quốc.
Được biết, khu vực đàn ong làm tổ chỉ cách khu dân cư chừng 200m, để đảm bảo an toàn, chính quyền xã đã cảnh báo và ngăn cấm người dân qua lại khu vực này.
Ong vò vẽ là một loại ong khá phổ biến ở nước ta. Độc tính của nọc ong này khá cao; nếu bị đốt 40-50 nốt (ở trẻ em là 30 nốt), bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để. Loại to: Làm tổ trên mặt đất hoặc hố đất, rất độc. Chỉ 1-2 con đốt đã có thể gây sốt.
Nọc độc của loài ong này gồm các chất histamin (gây dị ứng rất mạnh và rất nhanh, khoảng 20-30 phút sau khi bị đốt) các enzym, peptid độc, serotonin và kinin. Các chất này gây sốc phản vệ nhanh, đau buốt, sưng nề tại chỗ và lan tỏa, dẫn đến tổn thương gan và suy gan, tổn thương thận và suy thận, tiêu cơ vân, tan máu.
Loài ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà, chúng thường làm tổ những vị trí thoáng mát và rất dễ để có thể nhìn thấy tổ của chúng. Tổ của nó hình bầu dục, màu xám. Thông thường tổ ong vò vẽ xuất hiện nhiều vào mùa thu.
Theo các chuyên gia cách tốt nhất để tránh bị đốt là nhận biết chính xác tổ của ong vò vẽ và đặc điểm bên ngoài đặc trưng của loài này và có thể tránh xa chúng khi chúng xuất hiện.