Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:20
RSS

Tử vong do đắp thuốc thầy lang

Chủ nhật, 06/11/2016, 19:01 (GMT+7)

Do thiếu hiểu biết, một người đàn ông ở Ninh Bình sau khi bị chó cắn đã không đi tiêm phòng dại mà tự ý đến nhà thầy lang xin thuốc đắp.

Ngày 3/11, tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng sợ nước, sợ gió vì lên cơn dại.

Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 2 tháng trước, người đàn ông này đã bị chó nhà hàng xóm cắn. Do nghe nhiều người nói rằng tiêm vắc xin dễ bị giảm trí nhớ nên anh này đã không đến cơ sở y tế tiêm phòng mà tự ý đến nhà thầy lang xin thuốc về đắp.

Tuyệt đối không được chủ quan khi bị chó dại cắn

Tuyệt đối không được chủ quan khi bị chó dại cắn

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này cho biết, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp một bệnh nhân 6 tuổi ở Yên Bái cũng lên cơn dại. Bé thường chơi với bầy chó mới đẻ, sau đó chó mẹ bỏ đi và đàn chó con cũng dần ốm chết. Đàn chó chết khoảng 4 tháng thì bé phát bệnh dại.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần 100%. Thời gian ủ bệnh thường 1-3 tháng sau khi bị cắn, hiếm khi dưới 10 ngày hoặc dài tới vài năm.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó mèo cắn, việc đầu tiên là người bệnh cần phải tiến hành xử lý vết thương tại nhà nhằm loại bỏ virus dại dính trong nước dãi động vật tại vết thương.

Bệnh nhân nên rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước trong 15 phút, sau đó dùng các chất sát khuẩn như cồn iốt, rượu, các loại xà phòng, dầu gội, dầu tắm... Không làm dập vết thương, tránh khâu kín trừ trường hợp bất khả kháng. Sau đó đến ngay cơ sở y tế để được nhân viên y tế tư vấn và tiêm phòng.

Người bệnh phải chú ý rằng đối với vết thương bị chó cắn chảy máu bạn tuyệt đối không được dùng những chất kích thích tác động vào vết thương như axit, ớt bột, kiềm, nước ép hay nhựa cây… Không sử dụng băng buộc vết thương và đắp thuốc kín vào vết thương sẽ làm vết thương lâu khỏi hơn.

Theo những chuyên gia đã khuyến cáo rằng khi đã sơ cứu xong, bạn cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, tư vấn và tiêm phòng kịp thời nhất. Gia đình tuyệt đối không được tự chữa hay nhờ vào thầy lang khám và điều trị.

Trọng Tuấn (T/H)
Theo Đời sống Plus