Từ ngày 25/1, ô tô dừng quá 5 phút tại BOT sẽ bị xử phạt. Ảnh minh họa/Tri thức trực tuyến
Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý đường bộ, sở GTVT các tỉnh, thành hoàn thành việc lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí BOT trước ngày 25/1.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, ngay sau khi hoàn thành việc cắm biển, các lực lượng chức năng có thể tiến hành xử phạt những tài xế vi phạm, gây cản trở giao thông Sài Gòn giải phóng đưa tin.
Các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các sở GTVT trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện, bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và nhà đầu tư hướng dẫn, điều tiết giao thông, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Đồng thời, Tổng cục ĐBVN cũng yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung các camera ở khu vực trạm, thu thập số liệu, trích xuất hình ảnh, thống kê các tình huống cố tình gây rối, kích động mất trật tự an toàn giao thong gửi về Tổng cục ĐBVN để chuyển Bộ Công an và UBND các tỉnh xử lý.
Theo đó, biển “Cấm đỗ xe” sẽ được cắm phía trước các trạm thu khoảng 100 - 200m và biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” sẽ được cắm cách cabin thu phí khoảng 50m. Biển được lắp đặt trên dải phân cách giữa và trên cột cần vươn phía bên phải chiều xe chạy.
Từ khi có biển cấm, mọi hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất 800.000 đồng và cao nhất 2.000.000, thậm chí bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, căn cứ nghị định 46.
Việc trả tiền lẻ tại trạm thu phí không vi phạm pháp luật song người lái xe cần chuẩn bị tiền lẻ trước, trạm thu phí cũng có tiền lẻ để trả lại; nếu việc trao đổi quá lâu (quá 5 phút) thì sẽ cơ quan chức năng sẽ can thiệp và lái xe sẽ phải đi ra ngoài trạm thu phí để giao dịch.
Hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu) do UBND các tỉnh quản lý.