Trích xuất camera xử lý kích động, gây rối tại trạm thu phí BOT
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục Trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường thủy (Bộ Công An), cho biết hiện nay có 43 địa phương có trạm thu phí BOT trên cả nước, trong đó chỉ có 24 trạm BOT có vấn đề về an ninh trật tự.
Trách nhiệm vấn đề này thuộc về cả hệ thống chính trị, mới đây Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an, Bộ giao thông Vận tải (GTVT) cùng với các Bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương bằng mọi cách giải quyết, tháo gỡ.
"Thực ra, phản ứng của nhân dân có bức xúc trong nhiều năm qua là có do các trạm thu phí còn đặt chưa phù hợp. Bộ GTVT cũng đã có đề nghị Chính phủ tìm các giải pháp tháo gỡ những vấn đề này. Bởi vì cái gì chưa phù hợp thì chúng ta phải điều chỉnh, cái đó là khách quan và đúng với yêu cầu nguyện vọng của nhân dân cũng như doanh nghiệp"- Thiếu tướng Hà nêu rõ.
Theo Cục trưởng Cục CSGT, căn cứ vào thông tư 159 của Bộ Tài chính, Cục CSGT đề nghị, nếu thông tư này chưa phù hợp thì thay vì giảm giá, Bộ GTVT cũng phải đưa ra một số lộ trình để giảm giá. Người dân xung quanh trạm thu phí khi đi qua mất nhiều tiền quá thì của đau con xót.
"Qua đó, chúng tôi đề nghị đối với thông tư 159, Bộ GTVT phải thống nhất với Bộ Tài chính đưa vào văn bản quy phạm pháp luật Nếu chính sách nay giảm mai lại tăng thì chưa phù hợp lắm"- Thiếu tướng Hà nhấn mạnh
Theo Thiếu tướng Hà, Luật hình sự và thông tư 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định rất rõ về hành vi cản trở giao thông thì xử lý hành chính, nếu tái phạm thì xử lý hình sự. Về hành vi gây rối trật tự công cộng, gây ách tắc giao thông thì cũng có quy định cụ thể.
Hiện nay, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an và Bộ GTVT cũng như các địa phương không để xảy ra các điểm nóng tại trạm BOT. Đối với các đối tượng gây kích động, cầm đầu Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ GTVT trích xuất camera, nếu phát hiện các đối tượng nào có hành vi, vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ GTVT, từ đầu năm 2016 đến tháng 7-2017, tại một số trạm thu phí như trạm cầu Hạc Trì, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, Hưng Yên, các hộ dân đã tập trung phương tiện dàn hàng ngang phản đối chính sách phí chưa công bằng.
Sau đó, tình hình mất an ninh trận tự tại các trạm thu phí ngày càng phức tạp như tại trạm Cai Lậy, trạm Trảng Bom - Biên Hòa, trạm Sóc Trăng. Đến nay, một số tài xế phản ứng ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu phí của dự án khác, kể cả các dự án không đầu tư xây dựng tuyến tránh như: Trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm Sông Phan tỉnh Bình Thuận, trạm phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, trạm Ninh An, trạm Cam Thịnh...
Về nguyên nhân, Bộ GTVT cho rằng việc đưa các trạm thu phí vào hoạt động dẫn đến các phương tiện đang được sử dụng đường miễn phí phải trả phí, người sử dụng có tâm lý phản đối việc thu phí. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, chưa phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập…
Về việc xử lý bất cấp tại một số trạm thu phí sử dụng đường bộ, Bộ GTVT kiến nghị các cơ quan chức năng của Bộ, ngành và các địa phương cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các kiến nghị của người dân để có hành vi chống phá, kích động và cản trở giao thông tại khu vực trạm…