Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:27
RSS

Giao Bộ Công an hồ sơ đối tượng quấy rối trạm BOT

Thứ sáu, 19/01/2018, 07:20 (GMT+7)

Thủ tướng đã yêu cầu như trên đối với Bộ Giao thông Vận tải trong công điện ký ngày 18-1. Bộ Công an cho biết sẽ truy xuất camera tại các trạm BOT để tìm ra đối tượng gây điểm nóng BOT.

Trạm BOT

Thời gian gần đây, rất nhiều trạm BOT bị tài xế phản đối

Ngày 18-1, Bộ giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức họp báo về triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 với nhiều nội dung nóng liên quan đến các bất cập tại dự án BOT.

"Tài xế ngày càng manh động"

Theo báo cáo của Bộ GTVT, từ đầu năm 2016 đến tháng 7-2017, tại một số trạm thu giá như trạm cầu Hạc Trì, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, Hưng Yên, các hộ dân đã tập trung phương tiện dàn hàng ngang phản đối chính sách phí chưa công bằng.

Theo Bộ GTVT, tình hình mất an ninh trận tự tại các trạm thu giá ngày càng phức tạp như tại trạm Cai Lậy, trạm Trảng Bom - Biên Hòa, trạm Sóc Trăng. Đến nay, một số tài xế phản ứng ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu giá của dự án khác, kể cả các dự án không đầu tư xây dựng tuyến tránh như: Trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm Sông Phan tỉnh Bình Thuận, trạm phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, trạm Ninh An, trạm Cam Thịnh...

Một số tài xế có hành vi cản trở các phương tiện qua trạm, cố tình không mua vé, dàn hàng ngang, không di chuyển theo hướng dẫn của nhân viên trạm, cố tình gây ùn tắc. Một số lái xe cố tình điều khiển xe tông hỏng rào chắn để vượt trạm; đỗ xe trong phạm vi trạm để lau chùi, rửa xe; quay lại đòi lại tiền đã mua vé với lý do có xe đi sau không phải mua vé khi xả trạm…

Về nguyên nhân, Bộ GTVT cho rằng việc đưa các trạm thu giá vào hoạt động dẫn đến các phương tiện đang được sử dụng đường miễn phí phải trả phí, người sử dụng có tâm lý phản đối việc thu phí.

Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, chưa phù hợp thực tế; quá trình xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức BOT, đặc biệt chính sách phí chưa lường hết được các tác động đối với người sử dụng đường. Bên cạnh đó, lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập…

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định BOT là chủ trương đúng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn chế, cần huy động nguồn vốn xã hội hóa làm giao thông. Quan điểm của bộ sẽ không dừng thực hiện các dự án BOT nhưng sẽ phân loại các dự án.

Khi bị chất vấn thời ông còn làm Thứ trưởng Bộ GTVT ký hợp đồng BOT Cai Lậy, Bộ trưởng Thể khẳng định: "Tôi không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, không bẻ cong sự thật. Hiện nay, Kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc với các dự án, trong đó có BOT Cai Lậy. Phán xét thế nào do cơ quan chức năng" - ông Thể khẳng định.

Để giải quyết vấn đề nóng ở các điểm BOT, Bộ GTVT sẽ tiếp tục giảm giá với 2 hình thức: giảm giá toàn bộ các xe qua trạm và giảm cho các hộ dân sinh sống gần trạm. Hiện 51 trạm đã áp dụng giảm giá. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu dự án nào không quyết toán sẽ dừng thu phí.

Về giải pháp cho BOT Cai Lậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tháng 11-2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải báo cáo phương án cho BOT Cai Lậy sau 1-2 tháng. "Chúng tôi làm rất nghiêm túc, đã báo cáo Chính phủ nhưng phương án đến thời điểm này phải tổng thể nên Chính phủ giao Bộ GTVT cùng các bộ, ngành rà soát để Thủ tướng có kết luận. Hiện nay, chúng tôi chưa biết Chính phủ sẽ chọn phương án nào" - ông Thể nói.

Chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT (trạm BOT).

Trong công điện, Thủ tướng cho rằng hình thức đầu tư BOT đã có một số tồn tại, bất cập bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.

Đặc biệt, sự việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và một số trạm thu giá BOT đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Một số địa phương chưa thấy tính nghiêm trọng của vấn đề kẻ xấu lợi dụng việc này và chỉ coi là nhiệm vụ của ngành GTVT.

Nhằm sớm lập lại an ninh, trật tự tại các trạm thu giá BOT trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Công điện của Thủ tướng yêu cầu: Bộ GTVT cung cấp ngay cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình) để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phần tử gây rối làm mất an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, Công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác…), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Truy xuất camera đối tượng tạo điểm nóng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Tổng cục Đường bộ đã nắm thông tin một số đối tượng, đơn vị cá nhân tạo nên các điểm nóng tại các dự án BOT. "Tất cả các trạm BOT đều có hệ thống camera giám sát, trách nhiệm của chủ đầu tư phải cung cấp mọi thông tin, hình ảnh tài xế; khi địa phương, công an có yêu cầu sẽ cung cấp đầy đủ" - ông Thể nói.

Ông Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường thủy (Bộ Công an), cho hay hiện còn 24 dự án BOT có vấn đề về an ninh trật tự. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an sẽ yêu cầu trích xuất camera, đối tượng nào cầm đầu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, không để hình thành điểm nóng tại các trạm BOT.

Đáng chú ý, một số dự án gần đây, qua một nhiệm kỳ, một số địa phương có văn bản xin dời trạm. Nhưng dự án BOT có 7 bộ, ngành chịu trách nhiệm, sau khi hoàn thành tất cả các cơ quan liên quan đều phải có trách nhiệm.

"Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ GTVT mà cả HĐND, UBND các địa phương có văn bản đồng ý. Mới đây, một số địa phương đề xuất di dời trạm thì Bộ GTVT không đủ thẩm quyền, vì chúng tôi cũng chỉ là một trong các bên, sẽ báo cáo Chính phủ tính toán và kết luận" - ông Thể nói. 

Đẩy nhanh lộ trình thu phí không ngừng

Ngày 18-1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT xử lý triệt để bất cập trong các dự án BOT. Cụ thể là rà soát về tổng vốn đầu tư, về giá phí, thời gian thu, vị trí đặt trạm thu giá để công bố công khai cho DN và người dân được biết. Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thu phí không dừng; có các giải pháp lập lại trật tự tại các trạm thu giá BOT.

 

NGUYỄN HƯỞNG - BẢO TRÂN
Theo Người lao động