Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:09
RSS

Tự dùng thuốc để tăng cường 'bản lĩnh', người đàn ông nhận cái kết đáng sợ

Chủ nhật, 03/04/2022, 07:33 (GMT+7)

Sau thời gian dài dùng nhiều loại thuốc đông y để tăng cường sinh lý, người đàn ông trung niên bị nhiễm độc, da nổi vảy sần sùi...


Bàn tay xù xì, bong tróc do bị nhiễm độc của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thông tin trên sức khỏe và Đời sống cho biết, mới đây, Khoa Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.Đ. ngụ tại Đăk Lăk đã từng sử dụng thuốc bổ thận kéo dài trong vòng 2 năm nhằm mục đích tăng cường sức khỏe sinh lý. Sau đó ông tiếp tục dùng thuốc Đông y để điều trị bệnh viêm gan. Ông Đ. nhập viện với các triệu chứng da ngứa, nổi sần, sạm và vàng da.

ThS. BS Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau khi các bác sĩ nội khoa kiểm tra và sàng lọc hết tất cả nhưng không tìm được nguyên nhân, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Nhiễm độc và tìm ra được nguyên nhân đó là nhiễm độc do thuốc Đông y kéo dài gây ra.

Chia sẻ trên Vietnamnet, ThS. BS Uyên Vy cho biết thêm, đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp có bệnh lý gan như suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt, da nổi sần sùi hoặc tiêu chảy kéo dài. Thậm chí có bệnh nhân bị tổn thương nhiều cơ quan cùng lúc như suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê.

Những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan đến các vấn đề trên. Sau đó, đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần. Dù được khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp, bác sĩ phát hiện các trường hợp trên đều từng sử dụng thuốc đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ..., ThS. BS Uyên Vy chia sẻ.

Theo VNnExpress, ThS. BS Uyên Vy cảnh báo, 20 năm qua đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận một số thuốc đông y chứa kim loại nặng, người dùng bị nhiễm độc nếu uống thuốc lâu dài", bác sĩ Vy nói. Bác sĩ lý giải, những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm... có nguồn gốc từ đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân.

Người bệnh sử dụng những loại thuốc này lâu dài, kim loại tích tụ dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ ràng thì đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong.

Thuốc tây y hay đông y đều có thể gây những tác dụng phụ, khiến người dùng ngộ độc nếu uống không đúng cách. Tùy tiện sử dụng thuốc và lạm dụng thời gian dài sẽ dễ dẫn đến tích tụ chất độc, làm tổn thương các mô, cơ quan, hoặc gặp tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng. Do đó, ThS. BS Uyên Vy khuyến cáo người dân cần sử dụng các loại thuốc đúng liều lượng và trong thời gian chỉ định của bác sĩ, đồng thời theo dõi sát sức khỏe sau khi uống thuốc.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại