Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:34
RSS

Từ 16/7, bố mẹ không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng

Thứ hai, 06/07/2020, 13:39 (GMT+7)

Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư hướng dẫn về một số điều của Luật Hộ tịch năm 2015 trong đó có việc cha mẹ không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng.

Theo đó ngày 28/5, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch năm 2015 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Như vậy so với Thông tư 15/2015/TT-BTP, Thông tư 04 có bổ sung thêm nhiều nội dung mới đáng chú ý. Một trong số đó phải kể đến việc bổ sung hướng dẫn về nội dung làm khai sinh.

Cụ thể từ ngày 16/7/2020 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, nhiều nội dung nổi bật tại thông tư này mà mọi người cần lưu ý.

Hết thời cha mẹ đặt tên con quá dài, khó sử dụng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Trong đó nội dung khai sinh thì việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo cha hoặc mẹ.

Đến thời điểm hiện tại, việc đặt tên không có quy định cụ thể. Nhiều người tên quá dài, dẫn đến việc khi làm giấy tờ tùy thân, bằng lái xe phải viết tắt chữ đệm. Thậm chí, một số cá nhân đã phải xin đổi tên vì tên quá dài dẫn đến việc không thể đăng ký một số dịch vụ như làm thẻ ngân hàng. Chính vì vậy, việc đặt tên cho trẻ phù hợp không chỉ đúng pháp luật mà còn tránh những rắc rối về sau khi trẻ lớn lên.

Đã có không ít những chuyện bi hài cười ra nước mắt vì cái tên quá dài. Nhiều người tên quá dài, khi làm chứng minh thư, bằng lái xe phải viết tắt chữ đệm. Như chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương ở Đồng Nai đã làm thủ tục xin đổi tên thành Nguyễn Thị Kim Phương cuối năm 2019. Lý do là khi đi làm thẻ ngân hàng, tên của chị nhiều chữ, các chữ đều dài nên không thể làm thẻ.

Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (bên trái). Ảnh POL.

Trước đó, dư luận xôn xao về gia đình ông Lê Văn Bốn và bà Nguyễn Thị Tư (55 tuổi, ngụ xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè, TP.HCM) đặt tên con "dài bất tận". Trong 3 người con của ông bà Tư, người có tên dài nhất là cậu út “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân”. Người chị đầu có tên là “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn” và người chị kế có tên “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng”.

Lý giải về việc đặt tên con "dài loằng ngoằng" như vậy, bà Tư chia sẻ trên POL: “Khi tôi mang bầu, ông nhà ngày đêm trầm ngâm suy nghĩ đặt tên con như thế nào cho ý nghĩa và hay nhất, để các con gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Lúc đó, tôi hỏi vì sao đặt tên dài thế, ông ấy nói  mỗi từ trong cái tên đều có ý nghĩa của nó. Ông giải thích từng từ trong tên của thằng Nhân có ý nghĩa lắm, nhưng vì lâu rồi tôi cũng không nhớ nữa”.

Vì cái tên “độc” này nên các con bà Tư gặp không ít phiền toái trong chuyện giấy tờ tùy thân, nhất là Nhân. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan của Nhân như sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen,... cho đến nay không có cái nào ghi đầy đủ tên cả, chỉ ghi họ và tên, còn chữ lót thì viết tắt.

Hiện, Nhân đang làm việc tại một công ty ở Nhà Bè (TP.HCM). Lúc mới gửi hồ sơ, công ty chú ý ngay đến cái tên quá “độc” của cậu. “Không chỉ riêng tôi được mọi người chú ý, các chị của tôi cũng rất được mọi người quan tâm bởi cái tên quá dài” - Nhân nói. 

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN