Thứ năm, 18/04/2024 | 09:42
RSS

TS.BS Trương Hồng Sơn hiến kế giúp cha mẹ 'cai' nước ngọt có ga cho bé

Thứ tư, 27/12/2017, 06:20 (GMT+7)

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, nước ngọt có ga tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, nếu trẻ lỡ "nghiện" chúng, cha mẹ cần "cai" nước ngọt có ga càng sớm càng tốt.

Vì sao nước ngọt có ga dễ "gây nghiện" với trẻ nhỏ?

việc trẻ em nghiện nước ngọt có ga có lỗi của cha mẹ
Vì sao nước ngọt có ga dễ "gây nghiện" với trẻ nhỏ?

Lý giải vì sao nước ngọt có gas mặc dù có nhiều tác hại nhưng nó lại dễ “gây nghiện”, nhất là đối với trẻ nhỏ, TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam Viện trưởng Viện Y học ứng dụng  cho rằng, theo thói quen, nhiều người khi ăn nhiều đạm hoặc mỡ thì sẽ uống uống nước ngọt để dễ tiêu hóa. Thực chất trong nước ngọt có ga không có tác dụng giúp hoạt động tiêu hóa tốt hơn. Nước có ga thường có chứa carbon dioxide (CO2) và nước, 2 chất này có thể phản ứng với nhau tạo ra một loại axit yếu là axit carbonic.

Axit này đã được chứng minh là có thể kích thích các thụ thể cảm nhận vị giác ở trong miệng (giống như mù tạt). Do vậy, có thể tạo cảm giác râm ran ở trong miệng, và với một số người thì cảm giác này sẽ khiến họ bị kích thích và cảm thấy thích thú, ngon miệng hơn. 

Ngoài ra, trong thành phần của một số loại nước ngọt có thể có một ít axít phosphoric, làm chất đạm dễ được phân cắt hơn, nên một số người uống nước ngọt khi ăn thức ăn giàu đạm. Lượng axít này gây mòn men răng nên dễ gây sâu răng, không có lợi với trẻ nhỏ, cần hạn chế.

Thứ hai, Nước ngọt có ga thường có chứa calo rỗng (calo không chứa dinh dưỡng). Những chất  này tác động đến não gây ra cảm giác “nhớ” giống như các chất gây nghiện. Tuy ảnh hưởng không nhiều nhưng  cũng gây ra cho trẻ cảm giác “thèm” được uống nước ngọt và nếu càng uống nhiều sẽ càng  “thèm” nhiều hơn.

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố dẫn đến việc “nghiện” nước ngọt như: Do vị ngọt đặc trưng trong nước giải khát đóng chai, do tiện lợi, quảng cáo hấp dẫn, có tính chất “khuyên” trẻ uống, do trẻ nhìn thấy người lớn, ông bà, bố mẹ, anh chị đều uống...

Trẻ "nghiện" nước ngọt có ga có phần lỗi lớn từ cha mẹ

việc trẻ em nghiện nước ngọt có ga có lỗi lớn của cha mẹ
Trẻ "nghiện" nước ngọt có ga có phần lỗi lớn từ cha mẹ

Khi được PV đặt câu hỏi liệu có phải việc trẻ “nghiện” nước ngọt có ga cũng có phần lớn lỗi lớn từ cha mẹ, TS Trương Hồng Sơn cho biết, nhiều bậc phụ huynh thường sử dụng nước ngọt có gas như một phần thưởng mỗi khi trẻ vâng lời hoặc có thành tích tốt. Đây không phải là cách hay khuyến khích trẻ mà thậm chí là một sai lầm nghiêm trọng, có hại cho trẻ.

Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh cũng rất thích uống nước ngọt có gas nên trẻ cũng không bị ngăn cản khi uống những loại đồ uống này.

"Trẻ nhỏ vốn mải chơi, lại lười uống nước. Trong lúc khát mà được người lớn mua cho một chai nước ngọt thì chúng vô cùng sung sướng.

Ngoài ra, một lý do khác khiến nước ngọt có gas đóng chai được ưa chuộng nữa là chúng có giá thành rẻ, tiện lợi, trẻ lại thích nên các bậc phụ huynh cũng rất thích “chiều” cho con uống loại đồ uống này"- TS.BS Trương Hông Sơn nói.

Trong khi đó, không phải ai biết hết tác hại của nước ngọt đóng chai, thậm chí biết cũng không tin hoặc tặc “nhắm mắt cho qua” để cho trẻ uống thoải mái thứ thức uống có hại này với những lý do như tiện lợi, dễ dỗ. Vậy nên, so với việc uống sữa hoặc uống nước trái cây hay bất cứ loại thức uống có lợi cho sức khỏe nào khác, nước ngọt có gas đem lại cho trẻ nhiều sự yêu thích hơn..

Làm thế nào để cai nghiện nước ngọt có ga cho trẻ?

ts trương hồng sơn hiến kế cho cha mẹ cai nghiện nước ngọt có ga cho trẻ
TS.BS Trương Hồng Sơn

Chia sẻ với các bậc phụ huynh có con "nghiện" nước ngọt có ga, TS Sơn cho rằng, việc bỏ thói quen uống nước ngọt có ga là không hề dễ dàng. Cách tốt nhất để cha mẹ giúp con cai uống nước ngọt có ga là giảm uống một cách từ từ, không nên cắt giảm hoàn toàn ngay trong một sớm một chiều.

Việc cắt giảm đột ngột nước ngọt có ga với những trẻ thường xuyên uống nhiều có thể sẽ gây ra hội chứng cai.

Đối với những trẻ có thói quen uống nhiều nước ngọt có ga trong một ngày, thì đầu tiên, nên giảm số lượng nước ngọt uống trong ngày (ví dụ từ 2-3 lon/ngày xuống còn 1 lon/ngày). Duy trì việc này trong 2 tuần. Sau đó sẽ giảm tiếp xuống còn 3 lon/tuần, và giảm dần tiến tới việc không uống nước ngọt có ga nữa.

Ngoài ra, với những trẻ mới bắt đầu cai uống nước ngọt có ga, có thể sử dụng soda ăn kiêng thay thế cho nước ngọt có ga trong những ngày đầu. Soda ăn kiêng mặc dù cũng không có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng sẽ tốt hơn là nước ngọt có ga thông thường.

Thay vì nước ngọt có ga hoặc soda ăn kiêng, nên uống các loại nước khác tốt cho sức khỏe như nước lọc hoặc nước trái cây. Có thể thêm vào một vài lát chanh hoặc vài lá bạc hà cho nước lọc có thêm hương vị và giảm cảm giác thèm nước ngọt có ga.

Nguyễn Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN