Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:39
RSS

Truy tìm kẻ tung tin vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ gây hoang mang

Thứ bảy, 01/09/2018, 11:07 (GMT+7)

Trưởng Công an huyện Tương Dương, Nghệ An đang truy tìm cho được đối tượng tung tin vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ gây hoang mang.

Truy tìm kẻ tung tin vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ gây hoang mang
Truy tìm kẻ tung tin vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ gây hoang mang. Ảnh TN&MT

Mưa lớn ở thượng nguồn cùng với nước từ thượng Lào đổ về đe dọa an toàn các hồ chứa buộc thủy điện Bản Vẽ phải xã lũ trong nhiều ngày qua khiến cho vùng hạ lưu bị ngập nặng. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội là vỡ đập thủy điện khiến cho người dân hoang mang, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Đã gần hai ngày trôi qua, thế nhưng những người người dân ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương vẫn chưa hết hoang, lo lắng. Câu chuyện bắt nguồn từ việc có thông tin đập thủy điện bản vẽ bị vỡ nên người dân ồ ạt kéo nhau lên núi cao để tránh lũ. Chỉ đến khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động thì mọi việc mới lắng xuống, theo báo Tài nguyên môi trường. 

Đợt mưa lũ ở thượng nguồn lần này khiến nước ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ dâng cao nên có thời điểm công ty phải xả với lưu lượng trên 4.200 m3/s, điều này khiến cho mực nước vùng hạ lưu lên nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều bản làng đã bị chia cắt do bị ngập sâu trong nước. Lợi dụng sự việc này, đã có thông tin cho rằng nước lên nhanh là do đập thủy điện bị vỡ, song cơ quan chức năng khẳng định, đây là tin đồn thất thiệt.

Bác bỏ thông tin thủy điện Bản Vẽ bị vỡ là sai sự thật, Thượng tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương, khẳng định: chúng tôi xác định ngay ban đầu đây là đối tượng xấu đưa thông tin thất thiệt để gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân và làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn. 

Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh và huy động lực lượng tập trung xác minh làm rõ, phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh để truy tìm cho được đối tượng đã tung ra thông tin này.

Sáng 1/9, UBND tỉnh Nghệ An có công điện khẩn số 17 /CĐ.UBND (hồi 7 giờ 00, ngày 01/9/2018) về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn một số huyện, thị xã, báo Nghệ An đưa tin.

Để tập trung khắc phục nhanh hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Giám đốc các Công ty Thủy lợi, Điện lực; Thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Các Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 30/8/2018, số 16 ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh về ứng phó với lũ trên sông Cả.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, gia đình chính sách, neo đơn. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, đồ dùng sinh hoạt gia đình cho nhân dân các vùng còn bị chia cắt; đặc biệt chú ý các gia đình có nhà bị trôi, bị sập, bị di dời do sạt lở đất,..., không được để cho người dân bị đói hoặc không có nơi ở.  

Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để giúp dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa; thực hiện nước rút đến đầu dọn dẹp, vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát, lây lan.

Tổ chức khôi phục sản xuất; hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây trồng, bố trí các loại giống phù hợp để gieo trồng lại những diện tích đã bị mất.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... để đảm bảo an toàn; không để người dân đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông khi đang có lũ, bất cẩn để xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Sửa chữa các công trình hạ tầng bị hư hỏng như: công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để sớm ổn định đời sống cho nhân dân; tập trung huy động lực lượng sửa chữa, dọn vệ sinh các trường học; hỗ trợ sách vở, đồ dùng dạy học để các trường kịp thời khai giảng năm học mới theo đúng kế hoạch.

Triển khai đánh giá, thống kê thiệt hại để chủ động hỗ trợ và khắc phục hậu quả và báo cáo với các cơ quan có liên quan theo quy định...


Xem thêm: Nước lũ cô lập, thiệt hại lên tới 50 tỉ đồng

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN