Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:22
RSS

Trường Everest: Cho thuê sai mục đích sử dụng đất gây mất an ninh, trật tự?

Thứ sáu, 05/07/2019, 14:36 (GMT+7)

Mặc dù được quy hoạch là dự án trường tiểu học và THCS, tuy nhiên Trường Everest lại cho thuê để sinh viên cao đẳng học tập, sinh hoạt, giảng dạy và làm ký túc xá.

Trường Everest: Cho thuê sai mục đích sử dụng đất?
Khu ký túc xá nằm trong diện tích quy hoạch trường  Everest được Trường cao đẳng Công thương thuê lại cho sinh viên ở.

Sinh viên "ngồi nhầm" trường tiểu học

Mới đây, nhiều hộ dân lân cận Trường Tiểu học và THCS Everest (tên cũ là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Thủ Đô) đã gửi đơn phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc có địa chỉ tại khu đô thị Nghĩa Đô, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho thuê sai mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt của dự án trường. 

Cụ thể, Trường Everest được phê duyệt xây dựng trường tiểu học và THCS nhưng lại cho Trường Cao đẳng Công Thương thuê lại diện tích để giảng dạy sinh viên và khu ký túc xá. Việc cho thuê này dẫn tới tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực.

Tìm hiểu giấy phép xây dựng các hạng mục công trình của Trường Everest, ngày 24/2/2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 564/QĐ-UBND về việc thu hồi 15.953,8m2 tại Khu đô thị mới Nghĩa Đô (gồm hai khu đất liền kề nhau, ký hiệu NT, TH1 và TH2, thuộc phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) do công ty Cổ phần Eurowindow Holding quản lý giao cho Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các Trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Nghĩa Đô (nay đổi là Everest).

Theo đề nghị của Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô, căn cứ định hướng Quy hoạch phân khu H2-1 tỷ lệ 1/2000 và các văn bản pháp lý có liên quan, ngày 9/7/2015, Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội đã cấp giấy phép quy hoạch số 2939/ GPQH và chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc kèm theo văn bản số 2063/QHKT-TMB-PAKT ngày 25/4/2016 để Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học, Trung học Ngôi sao Thủ đô tại khu đất TH1, TH2.

Đến ngày 8/2016, Công ty cổ phần Trường học Nghĩa Đô ban hành Quyết định số 30/QĐ-NĐ về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học và THCS Ngôi sao Thủ Đô.

Ngày 13/1/2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng số 04/GPXD cho Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô được phép xây dựng công trình thuộc Dự án: “Đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”.

Như vậy, có thể thấy việc TP Hà Nội phê duyệt mục đích cho Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học, Trung học Ngôi sao Thủ đô tại khu đất TH1, TH2. Trong giấy phép xây dựng hoàn toàn không có việc duyệt để Trường cao đẳng Công Thương được sử dụng làm ký túc xá và khu giảng đường.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Kông Đam, Hiệu phó Trường Cao đẳng Công Thương (bên thuê) cho hay: Trường Công Thương ký trực tiếp hợp đồng thuê nhà với bên Everest, họ làm trường nhưng không sử dụng hết nên cho mình thuê.

Cũng theo ông Đam, Bên ký túc xá nhà trường thuê cho sinh viên ở ký hợp đồng 1 năm một, còn tầng 3 thuê để làm giảng đường cho sinh viên học, Trường Công thương thuê giá 10 triệu phòng/ tháng.

Ông Đam ước tính: Diện tích khu ký túc xá cho sinh viên ở nhà trường thuê của phía công ty với giá mỗi tháng tầm 250 triệu đồng, bên khu giảng đường thuê mỗi tháng tầm 100 triệu đồng nữa. Tính tổng 2 hạng mục thuê khu giảng đường và ký túc xá, Trường Công thương phải trả hơn 300 triệu đồng tiền thuê mỗi tháng.

Trường Everest: Cho thuê sai mục đích sử dụng đất?
Sinh viên trường cao đẳng Công thương học tại trường tiểu học Everest

“Cho thuê để trả lãi ngân hàng là chuyện bình thường”

Trao đổi với PV về việc cho thuê sử dụng sai mục đích, bà Trần Kim Phương chủ tịch HĐQT Trường Everest cho hay: Công ty cổ phần Trường học Nghĩa Đô xây dựng được 3 tòa nhà nhưng hiện nay trường Everest mới sử dụng chưa hết 1 tòa, còn thừa 2 tòa trường có thể cho thuê được. 

Theo quy hoạch mục đích xây dựng là trường Tiểu học và THCS nhưng bây giờ trường không sử dụng hết nên linh hoạt cho thuê. Do là doanh nghiệp, công ty CP Trường học Nghĩa Đô hoạt động theo luật doanh nghiệp. Vì vậy, bà Phương khẳng định việc cho Trường cao đẳng Công Thương thuê lại và giảng dạy trên diện tích trường Everest xây dựng theo quy hoạch dự án trường Tiểu học và THCS là không sai.

Cũng theo bà Phương, việc công ty CP Trường học Nghĩa Đô có thể cho mượn, cho thuê. Vì trường thừa 2 tòa nhà, cho thuê là “để giải quyết hạng mục trả lãi cho ngân hàng. Trong trường hợp trường xây không có học sinh, thừa phòng thì công ty cho thuê để giải quyết mục đích trả lãi ngân hàng cũng được, chẳng có gì phải ngạc nhiên. Việc cho thuê không có thời hạn bởi vì năm tới Everest sẽ lấy lại để hoạt động cho trường. Trường Công thương chỉ được sử dụng năm nay thôi”, bà Phương nhấn mạnh.

Theo lời bà Phương: “Bây giờ người ta vay một lúc 200 tỷ đồng xây trường mà trường không sử dụng hết thì phải có giải pháp”.

Phóng viên nêu câu hỏi việc cho thuê như vậy có được sự đồng ý của chính quyền không thì bà Phương khẳng định: “Không cần sự đồng ý của ai cả, vì doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Chả việc gì phải điều chỉnh quy hoạch, vì trường xây cho Everest chứ không phải xây cho Trường Công thương mà phải điều chỉnh”. 

“Everest sử dụng đúng mục đích, nếu nhà em thừa thì em cho thuê chỉ cần nộp thuế là đủ thôi. Dự án nào cũng thế, nhất là dự án giáo dục có phải cho ai đến đấy làm nhà hàng đâu”, bà Phương dẫn giải.

Bà Phương cũng phủ nhận việc cho Trường Cao đẳng Công thương thuê với giá 300 triệu đồng/ tháng như thông tin thầy hiệu phó Trường Cao Đẳng Công thương trao đổi. “Phía công ty chỉ cho mượn tạm cho đến hè là họ phải chuyển đi. Từ việc cho mượn, Trường Công Thương phải bỏ kinh phí ra để làm hạ tầng, như điện, nước... để hoàn thiện cơ sở hoạt động. Đối với khu ký túc cho sinh viên Trường Công thương ở là họ xây dựng 1 phần, còn lại đấy là nhà của dự án”, bà Phương cho hay.

Để thông tin 2 chiều PV đã liên hệ với ông Vũ Thế Lợi - Phó giám đốc Công ty cổ phần Nghĩa Đô, tuy nhiên dù nhiều lần liên hệ qua điện thoại nhưng ông Lợi không bắt máy.

 Được biết hiện nay quận Bắc Từ Liêm đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn bộ dự án khu vực Nam Cường. Trong đó, đoàn thanh kiểm tra đã làm việc với các bên liên quan tại trường Everest.

Cũng theo đại diện quận Bắc Từ Liêm: “Quan điểm của quận là sai đến đâu xử lý đến đấy. Hiện nay đoàn đã tiến hành kiểm tra, sau khi kiểm tra có kết luận sẽ xử lý theo quy định”- vị này nhấn mạnh.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN